Năm nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone, Mobifone, Vietnamobile và Gtel đang tiến hành thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối trước thời điểm 1-11-2016. Mấy ngày qua các doanh nghiệp này cũng đã nhắn tin đến các SIM trong diện thu hồi.
Theo lý giải của các nhà mạng, quyết định trên nhằm hạn chế tình trạng nhiều người dễ dàng mua những số thuê bao kích hoạt sẵn không chính chủ để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối làm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Ráo riết thu hồi SIM rác
Bà Kim Oanh, nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM, mua một SIM Viettel cách đây hai tháng để hưởng ưu đãi gói cước 3G. Bà mua SIM rồi bỏ vào điện thoại để dùng, không khai báo bất cứ thông tin cá nhân gì về mình. Từ đầu tháng 11 đến nay bà lo lắng SIM này sẽ bị thu hồi, mất khoản khuyến mãi gọi nội mạng và 3G còn lại.
“Tôi có nghe một số bạn bè kháo nhau sẽ thu hồi SIM rác nhưng chưa thấy tổng đài nhà mạng nhắn tin thu hồi hay yêu cầu khai báo thông tin gì cả” - bà Oanh cho hay.
Một số người tiêu dùng khác thì cho rằng dẹp tin nhắn rác là chủ trương đúng, mà một trong những biện pháp quan trọng cần phải thực hiện ngay là thu hồi SIM kích hoạt sẵn.
Đại diện Viettel cho biết đã nhắn tin cho các SIM thuộc diện kích hoạt trước, cần thu hồi. Nhưng nếu SIM đang “nằm ngủ”, không nằm trong điện thoại hoặc người dùng tắt điện thoại thì có thể không nhận được tin nhắn trong đợt nhắn tin ngày 5-11. Do vậy nhà mạng này sẽ nhắn vài lần để khách hàng biết.
Viettel cũng cho hay khách hàng có thể gọi đến tổng đài để biết SIM của mình đã đăng ký thông tin hay chưa, đăng ký với đúng tên mình hay không. Nếu cần đăng ký thông tin thì khách hàng có thể cầm CMND đến các đại lý chính thức để đăng ký, không đăng ký qua tổng đài.
Trong khi đó theo thông tin từ VinaPhone, nhà mạng này đang tiếp tục sàng lọc để phát hiện các thuê bao có dấu hiệu kích hoạt sẵn, đồng thời cũng tiến hành nhắn tin thông báo cho khách hàng đăng ký lại thông tin thuê bao chính chủ. Nhà mạng này còn kêu gọi bất cứ ai phát hiện các trường hợp điểm bán lẻ, đại lý bán SIM kích hoạt sẵn thì thông báo cho tổng đài 18001091.
Hiện nay người dùng mua SIM kích hoạt trước không cần phải khai báo thông tin mà sử dụng SIM luôn. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Tìm cách “giải cứu” SIM
Thông tin thu hồi SIM đã khiến các đại lý SIM thẻ không khỏi lo lắng, lúng túng. Lý do là rất nhiều thẻ SIM mà các đại lý đang nắm giữ ở dạng đã kích hoạt sẵn, trong đó không ít đại lý đang nắm giữ hàng ngàn SIM. Do vậy, không ít đại lý đang tìm cách “giải cứu” số SIM mà họ nắm giữ trong tay.
Chị Thanh Thủy, chủ một cửa hàng có bán SIM ở quận Tân Bình, TP.HCM, chìa ra một hộp giấy to đựng các bó SIM cột bằng dây thun. Có đến cả hàng trăm SIM trong đó. Chị nói rằng số SIM này đều đã kích hoạt trước.
“Tôi có nghe người ta bàn tán nhiều về việc thu hồi SIM rác từ mấy hôm nay nhưng chưa biết chính sách của nhà mạng ra sao khi thu hồi. Tuy nhiên, nếu thu hồi mà gây lỗ cho các đại lý thì chả ai dại gì nộp lại SIM cả!” - chị Thủy bày tỏ.
Cũng theo chị Thủy, nếu nhà mạng thu hồi thì rất có thể các đại lý sẽ đối phó bằng cách mượn thêm thông tin CMND của người quen để đăng ký hoặc sẽ đăng ký số SIM này cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào đó để hợp pháp sở hữu số SIM.
Nhiều chủ đại lý khác thì cho hay từ ngày có thông báo về thu hồi SIM rác, lượng người mua giảm hẳn vì sợ mua về dùng sẽ bị hủy số.
Siết số lượng SIM
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi quy định quản lý thuê bao di động.
Khi bàn bạc về dự thảo này, các nhà mạng cho rằng cần khống chế mạnh tay hơn với số SIM trả trước. Ví dụ, Viettel ủng hộ phương án khống chế mỗi người chỉ được dùng 10 SIM trả trước (tổng cộng trên tất cả các mạng), như quy định của Singapore. Các tổ chức chỉ được dùng 100 SIM trên tất cả các mạng.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Bộ TT&TT thấy rằng trước mắt vẫn nên giữ quy định mỗi người được dùng ba SIM/nhà mạng, tổ chức được dùng 100 SIM/nhà mạng thêm một thời gian. Nghĩa là với thực tế hiện nay có năm mạng viễn thông di động thì mỗi cá nhân có thể sở hữu 15 SIM trả trước, một tổ chức có thể sở hữu 500 SIM trả trước.
“Sau này có kết quả triển khai thực tế và có cơ sở dữ liệu liên quan thì Bộ sẽ nghiên cứu việc khống chế số lượng SIM/người” - bà Mơ cho biết.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng với giải pháp thu hồi thẻ SIM rác, siết số lượng SIM thì vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng tin nhắn rác hoành hành. Giải pháp quan trọng nhất là tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước, chế tài mạnh các nhà mạng. Bởi một trong các nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn tin nhắn rác hiện nay là do các mạng.
SIM kích hoạt sẵn là gì? Theo quy định, người mua SIM phải khai báo đầy đủ thông tin cá nhân (tên, ngày sinh, CMND...) thì mới có thể kích hoạt SIM và sử dụng. Thực tế cho thấy các đại lý SIM mua hàng loạt SIM để đạt doanh số, cộng thêm nguồn SIM số đẹp, nên phải kích hoạt SIM để “nắm giữ”. Người mua SIM thực sự chỉ cần đưa SIM vào máy là dùng, không cần khai báo thông tin. Thông tin có sẵn trên SIM kích hoạt trước là thông tin ảo, thông tin của đại lý..., không phải thông tin chính xác của người dùng thật. Cần giải pháp kinh tế Tổng số thuê bao trả trước hiện nay là 126 triệu, tuy nhiên số người sử dụng thực tế có thể chỉ dao động trong khoảng 40-50 triệu người. Trong dự thảo nghị định sửa đổi quy định quản lý thuê bao di động nhìn nhận thực tế một bộ phận người sử dụng luôn có tâm lý muốn mua SIM và kích hoạt dịch vụ càng đơn giản, nhanh gọn càng tốt. Chính vì vậy, để quản lý được thuê bao trả trước phải đưa ra được các giải pháp về kinh tế hiệu quả. Mỗi ngày có hàng triệu tin nhắn rác Theo Bộ TT&TT, hiện nay mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các SIM rác, là những SIM thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác. |