Sáng 23-7, lễ trao tặng học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê lần đầu tiên đã diễn ra tại Nhà hát TP.HCM.
Tham gia buổi lễ Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; NSND Kim Cương; NSƯT Thành Lộc...
Sau khi GS Trần Văn Khê qua đời vào ngày 24-6-2015, Ban tang lễ của ông đã được chuyển thành Nhóm thân hữu Trần Văn Khê với trách nhiệm tìm kiếm nguồn lực và những người đồng hành cùng thực hiện di nguyện của ông là cổ vũ, khuyến khích những người nhiệt tâm theo đuổi và có thành tựu trong hoạt động âm nhạc dân tộc.
Sau 8 năm, trải qua nhiều trở ngại, di nguyện của GS Trần Văn Khê đã được thực hiện với Quỹ Trần Văn Khê thành lập vào năm 2021 bằng Quyết định 680/QĐ – UB của UBND TP.HCM và hôm nay lễ trao Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà hát TP.HCM.
“Điều hạnh phúc nhất là Quỹ Trần Văn Khê đã nhận được những đề cử rất xứng đáng từ các trung tâm văn hóa lớn của đất nước là Hà Nội, Huế và TP.HCM. Trong danh sách đề cử đó, có những bậc trí thức – nghệ sĩ đã xấp xỉ 90 tuổi, có học sinh mới 11 tuổi dời, có sinh viên khiếm thị, tài năng, có những người thuộc thế hệ cầu nối thực tài, thực tâm trong nghiên cứu, giảng dạy và biểu diễn âm nhạc dân tộc.
Thay mặt Quỹ Học bổng Trần Văn Khê, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến các vị được Giải thưởng và Học bổng Trần Văn Khê hôm nay. Bởi vì, chính tình yêu lớn và tài năng của các vị đã đem đến giá trị, niềm vinh hạnh, niềm tự hào cho Giải thưởng và Học bổng Trần Văn Khê, xứng đáng với tâm nguyện của GS Trần Văn Khê – bậc trí thức tiêu biểu mà nhiều người trong chúng ta hằng kính trọng, ngưỡng mộ”, bà Nguyễn Thế Thanh, Phó giám đốc Quỹ Học bổng Trần Văn Khê, chia sẻ.
|
Quán quân The voice kid 2015 nhận học bổng Trần Văn Khê
Là một trong 9 học sinh, sinh viên đầu tiên nhận học bổng Trần Văn Khê, Trịnh Nhật Minh (sinh năm 2006), quán quân The voice Kid 2016 khiến không ít người bất ngờ bởi sự thay đổi của mình.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trao học bổng cho Trịnh Nhật Minh (áo dài trắng) và các học sinh, sinh viên. |
Khác với hình ảnh cậu bé tinh nghịch ngày nào, Trịnh Nhật Minh xuất hiện điểm đạm trong bộ áo dài trắng.
Sau khi đăng quang, Nhật Minh trở lại Hà Nội và theo đuổi con đường học tập. Trịnh Nhật Minh hiện đang theo học đàn bầu tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Chia sẻ với PLO, Nhật Minh cho biết: "Em cảm thấy rất vui khi lần đầu tiên được đề cử và được nhận quỹ học bổng Trần Văn Khê.
Sau cuộc thi The Voice Kid 2016 em đã quay ra Hà Nội để chuyên tâm cho công việc học tập và em vẫn khá là bận rộn trong công việc học hành của mình. May mắn là em được nhà trường giúp đỡ và đề cử để có thể nhận được học bổng danh giá này.
Từ cuộc thi The voice Kid 2016, mọi người cũng biết em theo đuổi rất nhiều thể loại nhạc nhưng đến cuối cùng em đã chọn theo đuổi âm nhạc dân gian đương đại, học đàn bầu để có thể một phần nào đó gìn giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam và mong là em có thể tiếp tục, các thế hệ sau sẽ tiếp nối những điều đó".
Trịnh Nhật Minh (giữa) cùng các bạn học thể hiện tiết mục hát xẩm. |
Ngoài ra, còn có các em học sinh, sinh viên đang theo đuổi các nhạc cụ âm nhạc dân tộc như đàn tranh, sáo, đàn nguyệt, tam thập lục… tại các trường, Học viện âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.HCM và Học viện âm nhạc Việt Nam. Trong đó, độ tuổi nhỏ nhất được nhận học bổng Trần Văn Khê là 11 tuổi.
Bí Thư thành uỷ Nguyễn Văn Nên trao giải thưởng cho NSƯT Cồ Huy Hùng và nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền |
Bên cạnh 9 suất học bổng, Quỹ Trần Văn Khê còn trao tặng 6 giải thưởng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà giáo đã dày công trong thực hành âm nhạc dân tộc trên các phương diện trình diễn, nghiên cứu, sáng tác và đúc kết kinh nghiệm để truyền lại đời sau.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê trao giải thưởng cho NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng và nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng. |
Đó là nhà giáo, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Văn Đời; nhà nghiên cứu, PGS.TS Đặng Hoành Loan; nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền; Tiến sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng; Tiến sĩ, NSƯT Cồ Huy Hùng; nhạc sĩ, Thạc sĩ Phan Nhứt Dũng.
"Ngày hôm nay tôi nhận được giải thưởng mang tên Bác là một niềm hạnh phúc. Trong 10 năm biết đến GS.TS Trần Văn Khê, tôi may mắn đã có nhiều kỷ niệm với ông.
Lần đầu tiên là ông được giao trọng trách liên quan đến hồ sơ Cồng chiêng Tây Nguyên và tôi là người có kinh nghiệm nên ông gọi tôi đến. Đó cũng là lần đầu tôi làm việc với ông.
Lần cuối cùng, năm 2015 khi tôi xin ông tư liệu quý giá của nhạc hát ả đào của Quách Thị Hồ 1976 thì ông gọi tôi vào Sài Gòn và trao cho tôi tư liệu rất quý về mặt học thuật, lịch sử. Và không ngờ đó là lần cuối tôi gặp ông.
Sau khi về Hà Nội, ông viết cho tôi một mail và giao cho tôi loạt nhiệm vụ phải giải quyết bằng được những vấn đề của nhạc ả đào mà ông chưa làm được.
Đến hôm nay, tôi đã hoàn thành tâm nguyện của ông, tháng 5 vừa rồi tôi đã hoàn thành bản thảo sách viết về ả đào. Tất cả nhiệm vụ ông giao cho, tôi đã hoàn thành nên khi được nhận giải thưởng tôi thấy rất… sẵn sàng" - nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền trải lòng.
Nên nhân rộng thêm giải thưởng
Tham dự chương trình, nói với PLO, NSƯT Thành Lộc cảm thấy giải thưởng này là một điều rất cần thiết, dù có hơi muộn.
"Tôi được biết, giải thưởng này đã được hình thành từ sau khi GS.TS Trần Văn Khê qua đời không lâu nhưng vì 2 năm dịch bệnh nên giải thưởng phải tạm dừng lại. Và khi giải thưởng được vận động lại thì đây là một điều đáng mừng.
NSUT Thành Lộc chụp hình lưu niệm cùng NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng và các thành viên quỹ Trần Văn Khê |
Đây là lần đầu tiên nên dĩ nhiên phải trao tặng cho những gương mặt đáng để được ưu tiên. Tôi nghĩ để giải thưởng phát triển lâu dài chúng ta không nên dừng lại ở những cá nhân, công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc mà chúng ta phải nhân rộng để đưa âm nhạc dân tộc đến với công chúng trẻ, đó là điều rất quan trọng.
Chúng ta phải có những cái bằng gọi là khích lệ hoặc những giải thưởng phụ dành cho những công trình, tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật rất đương đại nhưng mượn chất liệu từ âm nhạc dân tộc" – NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
Quỹ học bổng trao tặng 9 giải thưởng Trần Văn Khê, mỗi giải 30 triệu đồng, cho 6 cá nhân và 9 học bổng, trị giá 10 triệu đồng/suất cho 9 sinh viên, học sinh.