Theo ông Đinh Tiến Dũng, mục tiêu quan trọng đề xuất dự luật Thuế tài sản là nhằm tái cơ cấu, mở rộng nguồn thu ngân sách được thực hiện song hành với việc tiết kiệm chi. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu cơ cấu nguồn thu, đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản còn nhằm chống đầu cơ bất động sản.
Luật nhằm điều tiết vào những nhóm đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ nhà đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác và sử dụng; Luật Thuế tài sản sẽ điều tiết nhóm có thu nhập cao, nhiều nhà ở chứ không phải người nghèo. Như vậy, Luật Thuế tài sản sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng. Đề xuất này đã gây ra phản ứng mạnh trong dư luận vì ảnh hưởng lớn tới rất nhiều đối tượng, nhất là đối tượng thu nhập thấp.
Còn nhớ hồi tháng 8-2017, trước ý kiến cho rằng nếu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% (tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của năm luật thuế) sẽ làm tăng gánh nặng cho người nghèo, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: “Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Mai cho rằng với nhóm người thu nhập thấp, người nghèo hiện Chính phủ vẫn có những chính sách an sinh xã hội khác nhằm giúp đỡ những đối tượng này từ y tế, giáo dục đến nhà ở…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc Bộ Tài chính nói người nghèo ít chịu ảnh hưởng nếu tăng thuế VAT là thiếu thuyết phục và phiến diện. Ví dụ, chi phí vận chuyển sẽ đội lên khi thuế VAT xăng dầu… tăng. Từ đó giá rau, cá, thịt... cũng sẽ tăng lên theo và thu nhập ít ỏi của người nghèo bị ảnh hưởng lớn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định rằng "tăng thuế VAT tác động đối với người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều”.