“Do tập quán của người dân và cũng do lũ không cao nên ít người chịu vào sống trong cụm, tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ”. Đó là giải thích của chính quyền địa phương tỉnh Long An về thực trạng CTDC vượt lũ được xây nhưng không ai ở.
Tuy nhiên, người dân lại cho rằng dù rất có nhu cầu nhưng họ vẫn quay lưng với CTDC vượt lũ do nơi đây không có các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hệ quả là hàng trăm hecta đất xây CTDC vượt lũ tại Long An đã bị lãng phí suốt một thời gian dài.
10 năm chưa có điện, đường, nước
Huyện Đức Huệ đã triển khai chương trình xây CTDC vượt lũ hơn 10 năm nhưng đến nay chỉ có gần 180 căn hoàn thành (trong tổng số hơn 2.300 căn cần xây dựng). Ông Huỳnh Tiết Cương, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đức Huệ, cho biết toàn huyện có 18 CTDC được đầu tư theo kế hoạch. Thời gian qua, do người dân không vào ở nên đã có hai cụm được tỉnh chấp nhận chủ trương chuyển đổi công năng.
Theo ông Cương, sở dĩ người dân không mặn mà với CTDC vượt lũ là do thói quen sống gần ruộng đồng, sông nước và những năm gần đây lũ không lớn. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc với người dân thì thực tế hoàn toàn khác.
Những căn nhà hoang tại tuyến dân cư xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa. Ảnh: H.NAM
“Lúc tỉnh thu hồi đất có hứa khi lên đây sẽ xây chợ, đường sá và có điện, nước xài thoải mái. Vậy mà 10 năm rồi, đường sá, hệ thống cống thoát nước trên cụm này giờ hư hại gần hết. Điện, nước tui đang xài cũng phải kéo từ chỗ khác gần một cây số. Mấy hộ khác thấy cảnh sống trên cụm dân cư khổ sở như trong rừng nên không ai dám lên” - ông Trương Duy Thông nói. Gia đình ông Thông là hộ duy nhất sống tại cụm dân cư Tân Hòa (Bình Hòa Bắc).
Nhìn cụm dân cư Tân Hòa, ít ai nghĩ rằng khu đất rộng gần 5 ha này là cụm dân cư hiện đại theo kế hoạch của địa phương hơn 10 năm trước. Diện tích đất dự kiến bố trí hơn 180 lô giờ là một trảng cỏ mọc dày đặc, nhiều chỗ nước đọng vũng được người dân tận dụng trồng rau nhút, nuôi vịt.
Không biết làm gì để sống
Nhiều năm qua, một hình ảnh rất quen thuộc tại tuyến dân cư KT1 xã Tân Thành (Mộc Hóa) là những căn nhà gạch hoang phế rêu phong, cỏ mọc um tùm. Trong gần 30 căn nhà như thế có nhà của bà Lê Thị Ánh.
“Gia đình lên tuyến dân cư gần một năm nhưng điện chưa có, đường sình lầy, nước không có xài. Trước đây nông dân chúng tôi sống nhờ nắm rau, mớ ốc, chăn nuôi gà vịt, bây giờ lên đây không thể trồng trọt, chăn nuôi nên cũng không biết làm gì để sống” - bà Ánh nói. Mới đây, bà Ánh và nhiều hộ khác nhất quyết trở về sống tại nhà cũ trước đây.
Theo ông Võ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, những năm qua xã có tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân nhằm tạo công ăn việc làm ổn định trên CTDC. Tuy nhiên, do các lớp học thường kéo dài gần một tháng trong khi người dân còn phải lo kế mưu sinh nên rất ít người tham gia. Hiệu quả dạy nghề vì thế cũng không cao.
HOÀNG NAM
Theo bà Nguyễn Thị Anh Phương, Trưởng phòng Nhà ở và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Long An, chương trình CTDC vượt lũ giai đoạn 2002-2010 với hơn 34.000 lô, nền được triển khai cho 10 huyện với tổng mức đầu tư hơn 938 tỉ đồng. Đến nay vẫn còn 38% cụm, tuyến chưa hoàn tất hạ tầng thiết yếu. Đáng chú ý, hiện có trên 250 trường hợp sang nhượng trái phép các lô nền bằng giấy tay, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng. Do hiệu quả kém nên huyện Mộc Hóa đã xin chuyển đổi công năng 4/15 CTDC vượt lũ của huyện. Hiện tỉ lệ xây dựng nhà trên cụm, tuyến ở địa phương chỉ đạt 28%, riêng số hộ dân vào ở chỉ 12%, thấp thứ hai toàn tỉnh. Người dân bảo xây xong hết cơ sở hạ tầng thì họ mới chịu lên ở trong khi chủ trương của huyện là dân ở đến đâu xây đến đó để tránh tình trạng lãng phí. Vừa qua huyện đã rà soát các hộ được giao nền nhưng không ở và sẽ kiến nghị thu hồi để cấp cho hộ khác. Ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mộc Hóa |