Lập di chúc định đoạt về giá trị bồi thường quyền sử dụng đất

Án lệ số 34/2020 về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường vừa được công bố theo quyết định số 50 của TAND Tối cao.

Nguồn án lệ là quyết định giám đốc thẩm số 58/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Y với bị đơn là Phòng công chứng M. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn D1.

Tình huống án lệ là quyền sử dụng đất do cá nhân tạo lập hợp pháp mà khi người đó còn sống, Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất và thuộc trường hợp được bồi thường thu hồi đất.

Trường hợp này, phải xác định giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi được bảo đảm bằng giá trị bồi thường nên người có đất bị thu hồi có quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường đó.

Ảnh minh họa. Ảnh: PLO

Nội dung vụ án, cụ D và cụ C chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Sau đó, cụ D chung sống với cụ H, sinh ra ông D1.

Ngày 16-12-2009, cụ C lập di chúc để lại một phần tài sản là bất động sản tại thửa đất số 38 cho ông D1.

Ngày 15-1-2011, cụ D lập di chúc tại phòng công chứng M để lại phần tài sản của mình tại thửa đất trên cho ông D1. Khi Nhà nước thu hồi, ông D1 được đứng tên và nhận tiền bồi thường.

Sau khi cụ D và cụ C chết, ngày 26-1-2011, phòng công chứng M có văn bản công bố di chúc của cụ C và cụ D đối với di sản của hai cụ là thửa đất số 38.

Năm 2013, ông Y khởi kiện cho rằng thửa đất số 38 ông đã mua của cụ C từ năm 1987. Đến năm 1998, hai bên lập giấy bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Việc phòng công chứng M công chứng di chúc của cụ D, văn bản công bố di chúc của hai cụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông, nên ông khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố các văn bản công chứng trên vô hiệu.

TAND TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc xử sơ thẩm đã tuyên bố văn bản công chứng di chúc và văn bản công chứng văn bản công bố di chúc trên của phòng công chứng M vô hiệu. Ông D1 kháng cáo không.

TAND tỉnh xử phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ông D1 có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị theo hướng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.

Theo quyết định giám đốc thẩm, thửa đất trên là tài sản chung của cụ C và cụ D. Tuy nhiên, các tài liệu do ông Y xuất trình thể hiện chỉ có cụ C chuyển nhượng cho ông Y mà chưa có ý kiến của cụ D.

Trường hợp chỉ cụ C tự ý định đoạt tài sản chung của hai cụ mà không có sự đồng ý của cụ D thì cần xem xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa sơ thẩm, phúc thẩm tuyên bố các văn bản công chứng vô hiệu là chưa đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông D1.

Vì các lẽ trên, quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy hai bản án sơ và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Vĩnh Yên xét xử lại theo quy định.

Ngoài ra, di sản của cụ D, cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38 đã bị thu hồi theo quyết định số 1208 năm 2010 của UBND TP V.

Dù vậy, giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm