Chiều 28-7, TAND Tối cao tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm với 5 Phó Chánh án, gồm các ông: Nguyễn Trí Tuệ (Phó Chánh án Thường trực), Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng và Dương Văn Thăng (Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương).
Các đại biểu bỏ phiếu. Ảnh: Báo Công lý |
Kết quả được công bố tại hội nghị cho thấy các Phó Chánh án TAND Tối cao đều đạt số phiếu tín nhiệm rất cao.
Việc lấy phiếu tín nhiệm với 5 Phó Chánh án TAND Tối cao được thực hiện theo chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là Quy định số 96/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Ban cán sự đảng TAND Tối cao đã ban hành Kế hoạch số 26/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong TAND, xây dựng đội ngũ lãnh đạo TAND Tối cao có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Kết quả phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Cũng chiều cùng ngày, TAND Tối cao tổ chức hội nghị thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Báo Công lý |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết mục đích của hội nghị nhằm chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ nguồn để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIV của Đảng và của TAND sau Đại hội.
Việc rà soát, giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, đúng đối tượng và phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, để quy hoạch BCH Trung ương Đảng.
Cũng tại hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã phổ biến, quán triệt phương hướng công tác nhân sự và quy trình giới thiệu nhân sự để các đại biểu nắm vững yêu cầu, tiêu chuẩn, phương pháp giới thiệu, từ đó phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm trong việc giới thiệu nhân sự.
Theo tiêu chuẩn, nhân sự được giới thiệu nguồn quy hoạch BCH Trung ương là những cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực lãnh đạo, quản lý và ý thức tổ chức kỷ luật; quyết đoán, quyết liệt, hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, nhân sự còn phải có thành tích, sản phẩm công tác nổi trội và triển vọng phát triển tốt, bảo đảm đúng tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.
Lấy phiếu tín nhiệm với lãnh đạo VKSND Tối cao
Cũng trong ngày 28-7, VKSND Tối cao đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và 5 Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, gồm các ông: Nguyễn Huy Tiến (Phó Viện trưởng thường trực), Nguyễn Hải Trâm, Nguyễn Duy Giảng, Nguyễn Quang Dũng, Tạ Quang Khải (Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Viện trưởng VKS Quân sự Trung ương).
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trang thông tin VKSND Tối cao |
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm đánh giá sự tín nhiệm của cán bộ, công chức các đơn vị trực thuộc đối với tập thể lãnh đạo VKSND Tối cao trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Việc này cũng giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân; đồng thời giúp mỗi cán bộ lãnh đạo VKSND Tối cao được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đề nghị đại biểu ghi phiếu tín nhiệm công tâm, khách quan, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm được công bằng, dân chủ, đúng quy định.