“Ba tôi – Quách Thành Trang, 19 tuổi, Ba vào bộ đội. Đó là năm 1973, khi chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Tại mặt trận Phước Long 1974, trong lúc đang chiến đấu cùng đồng đội, Ba bị một tên lính Mỹ bắn vào người. Ba bị thương ở vùng bụng với giấy chứng thương mất sức 61%. Nhưng Ba còn trở về được có lẽ vẫn còn là phúc lớn với gia đình tôi.
Cựu chiến binh Quách Thành Trang và con gái Thu Thảo
Từ ngày trở về, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại. Những đêm không ngủ và rên rỉ trong vô thức vì những mảnh đạn trong người nhưng Ba chưa một lần than vãn về chiến tranh, về những bất lợi của một người thương binh trong cuộc sống đời thường. Ba vẫn ngược xuôi bươn chải, mưu sinh để nuôi bốn anh chị em chúng tôi học hành. Thế nên tôi luôn tự hào được làm con của Ba.
Cha con tay trong tay trong buổi lễ
Từ cách Ba sống, khi trở về từ chiến trường, người đã dạy tôi rằng: Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn, phải bị mất mát, thương đau nhưng phải cố gắng để làm sao không rơi vào tuyệt vọng, không bị mất nghị lực để đi qua thử thách khó khăn. Và tôi nhận thấy điều đó qua cách mẹ chăm sóc ba tôi, từ bữa cơm đến ấm trà mẹ đều lo chu toàn. Mẹ dành cả cuộc đời để xoa dịu vết thương cho ba – vết thương của chiến tranh. Những điều mẹ làm cao cả biết nhường nào. Bởi chiến tranh không phải trò đùa, không phải cứ hạ súng thì mọi chuyện đã kết thúc…
Từ công lao ba mẹ, dường như tôi đã nhận ra mình đã trưởng thành hơn để nhận ra giá trị của cuộc sống thanh bình mà mình đang có, để biết tri ân công lao vô bờ bến mà ba mẹ đã nuôi dạy tôi. Để hôm nay tôi có cơ hội được đứng đây chia sẻ câu chuyện riêng của gia đình mình trong niềm vui chung của đất nước. Tôi cùng các bạn biết lắng lòng về quá khứ, đồng cảm với hiện tại và có trách nhiệm hơn với tương lai…”.
Các em HS lớp 12 tặng những món quà thân thương cho đấng sinh thành
Khi nghe chia sẻ của con, phụ huynh Quách Thành Trang không khỏi cảm động, tay cầm micro với giọng run run: “Ba cảm ơn con! Hôm nay, Ba cũng gửi tặng con chiếc đồng hồ báo thức như để nhắc nhở con về quá khứ, về quãng thời gian con học dưới ngôi trường này để con trưởng thành và sống ý nghĩa hơn”.
Câu chuyện xúc động ấy là chia sẻ của em Quách Thị Thu Thảo không những chỉ là tình cảm của đứa con gái báo hiếu cha mẹ mà còn ẩn chứa trong đó có cả sự mất mát, đau đớn do chiến tranh mang lại.
Có lẽ vì chỉ còn vài ngày nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm đại lễ của dân tộc, 30-4 lịch sử nên trong buổi lễ tri ân ấy, không chỉ có hình ảnh cha mẹ nắm tay con và tặng những món quà thân thương, những đóa hồng gửi tặng thầy cô, những bài hát về công ơn sinh thành…mà buổi lễ tri ân ở ngôi trường này còn đọng lại bởi những câu chuyện từ lịch sử hào hùng.
Đó là những tâm tình của phụ huynh là thương bệnh binh nuôi con ăn học, nỗi lòng người con gửi đến người cha thương binh, những bài hát về cách mạng hào hùng… Ấn tượng với hơn 100 HS khối 12 còn được gặp gỡ, giao lưu thân tình với người anh hùng lược lượng vụ trang nhân dân, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương và phu nhân về những ký ức của chiến tranh, mất mát, về tinh thần chiến đấu và tình yêu thương của người thân để giúp ông vượt qua đau đớn, nghịch cảnh.
Dù buổi lễ không dài nhưng chính từ những câu chuyện đó đã phần nào tái hiện lịch sử để giúp các em mới bước qua tuổi 18 trưởng thành hơn.
Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương và phu nhân có mặt trong buổi lễ giao lưu với các em HS.
Thầy Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng nhà trường gửi gắm: “Cây có cội, sông có nguồn, chim có tổ, người có tông, mỗi chúng ta có được ngày trưởng thành như hôm nay là từ sự cố gắng, tận lực của người cha, tình yêu không bến bờ và những nỗi nhọc nhằn của người mẹ, từ những đêm thâu bên trang giáo án của thầy cô. Những lời tri ân của các em sẽ giúp các em cảm thấy trân trọng và yêu cuộc sống hơn, hiểu hơn về ân nghĩa sâu nặng của cha mẹ, thầy cô. Các em sẽ quý trọng hơn bản thân mình và cảng khôn lớn, trưởng thành.
Chúng ta đang sống trong những ngày đại lễ của dân tộc, chào mừng 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta hưởng cuộc sống thanh bình và phát triển như ngày hôm nay, đã có biết bao công sức, bao xương máu của các anh hùng dân tộc, của những người đi trước. Trong buổi lễ tri ân ngày hôm nay, thầy và trò của trường chúng ta không thể không nhắc đến và tri ân những cống hiến, hi sinh lớn lao ấy, bởi điều đó giúp cho chúng ta hiểu, trân trọng và yêu quý hơn những gì mà chúng ta đang may mắn có được. Thầy tin rằng, khi chúng ta nói lên được những lời tri ân ấy sẽ giúp các em hiểu hơn về những ngày đã qua, ngày mai mình muốn gì và sẽ làm gì cho cha mẹ, thầy cô và quê hương, đất nước”.