Vào cuối năm 2006, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) chỉ đạt khoảng 14 tỉ USD nhưng đến thời điểm hiện tại đã đạt khoảng 120 tỉ USD, tăng 67% so với thời điểm cuối năm ngoái, tương ứng giá trị 60% GDP.
Dồn dập đổ tiền vào chứng khoán
Ghi nhận những khởi sắc của TTCK, nhiều chuyên gia nhận định do các chỉ số tăng trưởng vĩ mô đều khá tốt và khả năng từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng lạc quan hơn nữa. Đơn cử, Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo cho thấy GDP quý III vừa qua tăng đột biến với mức 7,46%. Đây là mức cao kỷ lục sau nhiều năm.
“Chính sách vĩ mô ổn định mở ra triển vọng cho nền kinh tế. Theo quy luật, TTCK luôn đi trước tăng trưởng nên chứng khoán VN tăng mạnh là điều hợp lý” - ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, nhận xét.
Chứng khoán tăng nhanh một phần còn do tác động từ việc nhà đầu tư liên tục mua ròng, nhất là khối đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong một tuần qua, phiên mua ròng cao nhất của nhà đầu tư nước ngoài đạt 144.000 tỉ đồng, phiên thấp nhất cũng lên đến 44.000 tỉ đồng. Đây là điều ít xảy ra trên thị trường này.
Khối ngoại mua thì có nhiều, chẳng hạn VN thực hiện nhiều biện pháp như nới room, bãi bỏ toàn bộ trần quy định cứng nhắc cho các nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, chủ trương đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa của Nhà nước đã tạo ra nguồn cổ phiếu có chất lượng trên thị trường.
Điển hình như chủ trương thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB), Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (BHN), Tổng Công ty CP Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) và nhiều doanh nghiệp khác.
“Sức hấp dẫn của những cổ phiếu này đối với nhà đầu tư là không phải bàn cãi và góp phần tạo nên sức hút cho TTCK, trái với diễn biến ảm đạm như giai đoạn 2008-2012” - ông Dương Anh Vũ bình luận.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích Công ty Chứng khoán MayBank KimEng, cũng nhận định thời gian qua TTCK VN chứng kiến giai đoạn mua ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư kể từ năm 2010 đến nay.
Lý do là nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin rất lớn vào việc Chính phủ sẽ có nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn thông qua hàng loạt chính sách như tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, quyết tâm giảm thêm lãi suất từ nay đến cuối năm, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên 21%-22%....
“Với hàng loạt nhân tố thuận lợi kể trên, đương nhiên dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán VN từ đầu năm đến giờ rất mạnh. Bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn nhanh nhạy trong việc tìm đến nơi có khả năng sinh lợi tốt nhất” - ông Lâm phân tích.
Bloomberg mới đây nhận định TTCK VN là một trong năm thị trường sinh lời nhiều nhất. Với các nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm, đây là một trong những thị trường béo bở.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Ảnh: TL
Dễ đau tim
Nhiều công ty chứng khoán và giới đầu tư đều kỳ vọng chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới. Đây là điều đáng mừng vì nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của nước ta là rất lớn, vì vậy TTCK cần phát triển mạnh hơn nữa để đảm nhận vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhìn vào những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế có quyền hy vọng nhưng cũng nên cẩn trọng, không nên quá lạc quan trước diễn biến của thị trường. Bởi nền kinh tế VN vẫn tăng trưởng chưa ổn định, nếu khối ngoại ồ ạt rút ra thì thị trường có thể sẽ có biến động mạnh. Hơn nữa, không ít cổ phiếu đang được định giá quá đắt so với giá trị thực.
Tình hình kinh tế của đất nước ngày càng khởi sắc. Tăng trưởng quý III-2017 cao tới 7,46% dẫn tới một số ý kiến nghi ngờ nhưng xét kỹ thì mức tăng trưởng này có căn cứ rõ ràng. Tăng trưởng GDP là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Đó là những động lực làm cho nền kinh tế tăng trưởng tốt. Phó Thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ |
Đi vào cụ thể hơn, ông Nguyễn Hải Nam, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, phân tích trong chín tháng đầu năm 2017, trên thị trường chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng từ vài lần đến tám lần. Hàng loạt cổ phiếu “trà đá” cũng tăng 4-5 lần kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, những cổ phiếu dạng này khiến nhà đầu tư “dễ đau tim”. Bởi sau chuỗi ngày tăng giá liên tục đã quay đầu giảm sàn với tình trạng mất thanh khoản.
Chẳng hạn mỗi cổ phiếu HAI của Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I ở mức chỉ 3.380 đồng hồi đầu năm, đến tháng 8 vừa qua vọt lên 22.500 đồng, tức tăng gần bảy lần so với đầu năm. Nhưng sau một tháng liên tiếp lao dốc, hiện cổ phiếu HAI lình xình quanh mức 7.600 đồng/cổ phiếu.
“Nhóm cổ phiếu có mức tăng thần tốc thường rơi vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp. Không ít cổ phiếu với mức thị giá chỉ vài ngàn đồng ở thời điểm đầu năm đã đạt mức tăng gấp nhiều lần. Trong khi đó với những cổ phiếu cơ bản thì không bao giờ có mức tăng đột biến như vậy. Do vậy nhà đầu tư cần phải tỉnh táo chọn lọc cổ phiếu, sử dụng thông tin và phương pháp đầu tư phù hợp, bởi nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm thì rất dễ chết” - ông Nam khuyến cáo.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích Công ty Chứng khoán MayBank KimEng, nhà đầu tư nên dành sự tập trung lớn hơn cho những cổ phiếu có nền tảng, cổ phiếu có căn bản, hạn chế việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Bloomberg mới đây nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong năm thị trường sinh lời nhiều nhất
Cao nhất trong 10 năm Kết thúc chín tháng đầu năm nay, chỉ số VN-Index ở mức 804,42 điểm, tăng 21% so với thời điểm cuối năm ngoái. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng đã tăng 34,4% lên mức 107,66 điểm. Đây là mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vừa cho biết trong tháng 9, TTCK phái sinh có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9 đã có 9.679 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng 34,5% so với cuối tháng 8. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch trong tháng là 131.903, tương ứng giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) đạt 10.300 tỉ đồng, tăng lần lượt 126,7% và 136% so với tháng trước. |