Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nên nghị quyết của Quốc hội là quyết định cuối cùng, không cần phải bàn cãi nữa. Đó là một tin mừng cho những ai quan tâm tới lịch sử và môn học lịch sử trong trường học. Cũng xin nhắc lại, tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Sử học là ngành khoa học nền tảng hết sức quan trọng, không chỉ dừng lại ở quá khứ mà từ đó biết cả hiện tại và tương lai, phục vụ trực tiếp sự nghiệp cách mạng và bảo vệ Tổ quốc”.
Cuộc tranh luận về việc nên hay không tích hợp môn học lịch sử trong trường học với các môn khác, với một bên là Bộ GD&ĐT mà đại diện là GS Đinh Quang Bảo và TS Tạ Ngọc Trí - bộ phận thường trực đổi mới chương trình SGK phổ thông, một bên là các nhà khoa học, các giáo sư môn lịch sử. Nhiều độc giả khá ngạc nhiên khi nghe chuyện tích hợp môn lịch sử, thắc mắc tích hợp như thế nào. Theo chương trình cải cách SGK dự kiến thì môn sử các lớp 1, 2, 3 tích hợp thành môn “Cuộc sống quanh ta”, lớp 4, 5 là môn “Tìm hiểu xã hội”; các lớp 6, 7, 8, 9 là môn “Khoa học xã hội” và các lớp 10, 11, 12 là môn “Công dân với Tổ quốc”. Có nghĩa chương trình tích hợp này xóa trắng từ “lịch sử” trong tâm trí tất cả học sinh từ lớp 1 tới lớp 12. Chuyện trăm năm trồng người mà cứ được đem ra thí nghiệm mãi! Ngay ở Mỹ hoặc châu Âu, môn sử vẫn là môn học độc lập và bắt buộc. Chỉ tại một số bang ở Mỹ có môn “Công dân với chính quyền”, học sinh học để biết về tổ chức chính quyền - chứ không phải “Công dân với Tổ quốc” ở cấp THPT trong dự thảo chương trình là môn tích hợp ba phân môn: đạo đức, công dân, lịch sử và quốc phòng-an ninh. Thế thì thời gian dành cho phần lịch sử được mấy phút?
Tại cuộc hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11, hơn 10 đại biểu có tham luận đều tập trung vào việc khẳng định cần đưa môn lịch sử là môn học độc lập. Đặc biệt cả khán phòng lắng nghe vị giáo sư sử học 92 tuổi Bùi Đình Thành phát biểu: “Môn lịch sử đã được khẳng định là khoa học thì phải đối xử với nó như là một môn khoa học”. Mặc dù già yếu, cụ Thành vẫn bảo con cháu đưa cụ đến phát biểu tại hội thảo. GS Phạm Tất Dong nói học sinh hiện nay không thích học sử thì môn sử càng phải là môn học bắt buộc. Trong phần kết luận cuộc hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nói: “Dù Bộ GD&ĐT có giải trình nhưng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam không thay đổi quan điểm”.
Cuộc tranh luận tích hợp môn lịch sử hay giữ nguyên môn lịch sử đã vang vọng đến kỳ họp này của Quốc hội, nhiều đại biểu dù không liên quan trực tiếp tới môn lịch sử cũng bức xúc và đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội. Tôi tâm đắc với đại biểu Lê Văn Lai khi chất vấn Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, ông gọi việc tích hợp môn lịch sử là “sự xáo trộn tâm can”. PGS Nghiêm Đình Vy, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng không nước nào trên thế giới tích hợp lịch sử như Việt Nam. Là người được giao nghiên cứu tích hợp lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” nhưng nhóm của PGS cho rằng không thể tích hợp.
Bởi lịch sử là lịch sử, không thể tích hợp.