Tình huống này nảy sinh khi không gian diễn ra buổi tọa đàm chật kín người nghe và phần lớn đều phải đứng.
Đại diện nhà tổ chức, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam giải thích trước đó họ đã chuẩn bị sẵn một hội trường lớn, tuy nhiên do đánh giá sự kiện này sẽ không thu hút nhiều người nghe nên nhà tổ chức quyết định chọn hội trường nhỏ, vốn là một thư viện sách để tổ chức.
Tuy nhiên đến lúc tọa đàm diễn ra, lượng người đổ về liên tục tăng lên, đến một mức quá tải, ban tổ chức lại phải xin dừng buổi nói chuyện để cả diễn giả và người nghe di chuyển từ hội trường nhỏ qua hội trường lớn.
Vượt qua sự đánh giá của không ít người, một tọa đàm thuần túy về lịch sử, về một cuốn sách sử lại thu hút đông người nghe như thế, trong đó đa phần là giới trẻ.
Với tư cách là diễn giả trong buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Phan Huy Lê và dịch giả Nguyễn Nghị đều đánh giá cao giá trị thông tin mà cuốn sách này đem lại. Cuốn sách là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đó là cuốn "Le Viet Nam, Histoire et Civilisation" (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh) và "Histoire du Viet Nam, des origines à 1858" (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858).
Sau 2 lần được xuất bản tại Paris năm 1955 và năm 1982, đây là lần đầu tiên công trình sử học nổi tiếng này được xuất bản bằng tiếng Việt.
Sau phần trình bày của các diễn giả, phần giao lưu với khán giả nảy sinh khá nhiều tranh luận lý thú về nội dung cuốn sách. Thực ra đây là một điều dễ hiểu đối với lịch sử khi những điều người ta biết được về quá khứ có sự đan cài giữa lịch sử chính thống và truyền thuyết, điển tích dân gian… Điều đáng kể sau những tranh luận đó chính là sự quan tâm của giới trẻ dành cho lịch sử và chứng tỏ lịch sử vẫn có sức hấp dẫn riêng của nó.