Nhân kỷ niệm hai năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam, giới luật sư đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn và thể hiện những kỳ vọng của mình để tổ chức đại diện cho giới luật sư này hoạt đông ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
Xóa những rào cản
Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Nguyễn Thành Vĩnh (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) cho biết điều mong mỏi nhất ở giới luật sư hiện nay là liên đoàn sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả hơn nữa, phải góp phần giải quyết những khó khăn về tố tụng mà luật sư thường xuyên gặp phải như bị làm khó trong quá trình điều tra, ý kiến tranh tụng không được tôn trọng... Liên đoàn cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn với các cơ quan tố tụng để bảo vệ những quyền lợi chính đáng, hợp pháp đó của luật sư. Hiện xã hội đòi hỏi luật sư phải trau dồi nâng cao trình độ, vươn ra biển lớn nhưng ngay cả những khó khăn hiện tại vẫn giải quyết chưa xong thì sẽ gây cản trở cho bước đi xa này.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh thêm liên đoàn phải có ý kiến, kiến nghị nâng cao vai trò, vị thế của luật sư khi tranh tụng trước tòa, đặc biệt trong các vụ án hình sự. Làm sao để phán quyết của tòa phải thể hiện rõ kết quả tranh tụng giữa luật sư và VKS, đảm bảo bản án được tuyên khách quan, công bằng theo quy định pháp luật.
Giới luật sư cần tác động thực chất hơn từ phía liên đoàn như phải làm sao cho ý kiến tranh tụng trước tòa được tôn trọng. Ảnh minh họa: THANH LƯU
Quan tâm hơn các tỉnh xa
Luật sư Tô Năng Như (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) và luật sư Phan Thanh Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Dăk Lăk) cho rằng liên đoàn cần phải giúp cho các đoàn luật sư các tỉnh hoàn thiện bộ máy. Điều này sẽ tạo được sự thống nhất cả về mặt quản lý nhà nước lẫn cơ cấu tổ chức của các đoàn địa phương. Hiện tại, bộ máy của mỗi đoàn một khác và sự giao lưu, phối hợp giữa các đoàn địa phương vẫn còn hạn chế. Cạnh đó, liên đoàn cần hoạt động tích cực hơn để đẩy nhanh tiến độ những công việc còn đang làm dở dang.
Cũng theo luật sư Như, có thể do còn hạn chế về kinh phí và nhân sự nên trong hai năm vừa qua, lãnh đạo liên đoàn vẫn chưa đi được đến các tỉnh xa nên chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các luật sư ở đó. Tuy liên đoàn có gửi công văn cho các tỉnh đề nghị giúp đỡ các đoàn (như đã có công văn gửi chính quyền Quảng Ninh đề nghị giúp đỡ về mặt kinh phí, trụ sở, tạo điều kiện cho luật sư hành nghề…) nhưng hy vọng thời gian tới, liên đoàn sẽ quan tâm hơn nữa đến các tỉnh này. Với vị thế và vai trò của mình, lãnh đạo liên đoàn phải làm việc trực tiếp với chính quyền các địa phương, cũng như các luật sư ở các tỉnh vùng xa, những vùng mà điều kiện hành nghề của luật sư còn gặp nhiều khó khăn.
Góp phần hoàn thiện pháp luật
Luật sư Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) mong muốn liên đoàn phải tận dụng được thực tiễn phong phú của giới luật sư để xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Điều đó mới là hoạt động quan trọng nhất của liên đoàn vì khi pháp luật được hoàn thiện thì đương nhiên vai trò, điều kiện hành nghề của luật sư sẽ được cải thiện. Không những thế, nó còn có lợi cho nhân dân, cho đất nước. “Tôi lấy ví dụ như pháp luật hiện nay về quản lý giám sát bị can, bị cáo tại trại giam, trại tạm giam đã lỗi thời và không còn phù hợp và cần phải sửa đổi. Tại sao luật sư muốn gặp bị can, bị cáo thì bị giới hạn thời gian trong vòng 1 tiếng, còn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng khác thì bao lâu cũng được? Tại sao khi luật sư gặp bị can thì phải có giám thị giám sát nhưng khi điều tra viên, KSV hay cán bộ tòa án gặp thì không cần? Như vậy là bất bình đẳng. Nếu liên đoàn kiến nghị sửa đổi được những quy định bất cập như thế này thì tự khắc việc hành nghề của luật sư dễ dàng hơn rất nhiều” - luật sư Triển nói.
Nâng cao nghiệp vụ luật sư
Luật sư Trần Đình Triển và luật sư Lê Ngọc Cảnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) kỳ vọng thêm, liên đoàn phải chú trọng vào việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, năng lực trình độ cho các luật sư và phải kịp thời lên tiếng bảo vệ khi quyền lợi hợp pháp của luật sư bị xâm phạm.
Theo luật sư Cảnh, với những luật sư trẻ, việc được bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực là một trong những mong mỏi lớn. Bởi luật sư trẻ mới ra nghề, va chạm chưa nhiều, kinh nghiệm còn non và nhiều khi chưa nắm vững và chắc các quy định pháp luật. Thế nên việc bồi dưỡng sẽ giúp cho các luật sư vững vàng hơn, giúp họ bảo vệ hiệu quả quyền lợi của thân chủ và bảo vệ được nền pháp chế…
Luật sư Triển cho biết thêm, với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của luật sư, nhiều khi thấy liên đoàn tiến hành rất chậm, thậm chí có trường hợp còn bị bỏ qua. Ngược lại, những khiếu nại của thân chủ hay của các cơ quan nhà nước đối với luật sư thì lại giải quyết rất nhanh… Do vậy, rất mong liên đoàn sẽ kịp thời bảo vệ được luật sư khi quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm.
Được hành nghề yên ổn Luật sư Phạm Văn Kha (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Bình) nhìn nhận việc bảo vệ quyền lợi luật sư của liên đoàn nhìn chung tương đối đạt yêu cầu, giới luật sư đã có chỗ kêu ca khi quyền lợi bị xâm phạm. Tuy nhiên, giới luật sư mong muốn liên đoàn phải bảo vệ luật sư hơn nữa. Bởi nghề luật sư cũng là một nghề nguy hiểm. Đặc biệt về mặt hình sự. Luật sư phải được hành nghề một cách yên ổn, đảm bảo cuộc sống và vai trò, vị thế của luật sư ngày càng phải được nâng cao hơn. Bây giờ còn có trường hợp điều tra viên, KSV thậm chí thư ký tòa án nói rằng: “Thôi đừng mời luật sư nữa...”. Như vậy có thể thấy người ta quan niệm mời luật sư chỉ là hình thức nên luật sư rất khó hành nghề. Chưa kể, nhiều khi luật sư cãi cật lực cuối cùng tác dụng cũng không nhiều. Có luật sư cãi đúng quá, VKS chỉ đề nghị 2-2,5 năm tù nhưng tòa lại tuyên tới bốn năm. Điều này khiến cho nhiều người mất niềm tin với luật sư… |
THANH LƯU