Lò đốt rác 4,5 tỉ đồng 'đứng bánh' vì dân phản đối

Nằm tách biệt với đất liền, xã đảo Tam Hải rất khó khăn về đường đi lại nên việc vận chuyển rác thải ra ngoài để xử lí gặp nhiều khó khăn. Lượng rác thải tồn đọng rất nhiều nên chính quyền địa phương đã tính đến phương án xây dựng một lò đốt rác tại đây. Phương án này được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và đầu tư với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Vị trí được chọn để dựng lò đốt tại thôn Bình Trung, diện tích rộng 5000 m2. Tuy nhiên, sau khi chọn được địa điểm và định ngày khởi công thì công trình vấp phải sự phản đối của người dân trong thôn.

Bà Mận nói nên đặt lò đốt rác xa khu dân cư hơn. Ảnh: Quang Nam

Người dân cho biết công trình lò đốt này nằm quá gần khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi tôm thẻ chân trắng của họ. Người dân bức xúc và nhiều lần ngăn cản không cho thi công. 

“Người dân cũng mong muốn có được nơi đốt rác, nhưng xây dựng ở khu vực đó là không được. Nó quá gần khu nhà ở, sau này sẽ bốc mùi hôi thối không chịu được. Nếu cơ quan chức năng muốn xây lò đốt thì phải tìm chỗ cách xa khu dân cư hơn” – Ông Nguyễn Thị Mận (69 tuổi) nói.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, xác nhận sự việc trong thời gian qua một số người dân ở thôn Bình Trung đã tổ chức ngăn cản không cho công trình lò đốt được khởi công xây dựng.

“Trong những cuộc họp cử tri một số hộ dân không đồng tình. Hiện nay tình trạng rác thải tồn đọng và phát sinh ở xã đảo Tảm Hải quá nhiều, cần có quy trình xử lí để giảm thiểu nguy cơ trên. Việc xây dựng lò đốt chất thải là yêu cầu cấp thiết. Địa điểm xây dựng ở thôn Bình Trung cũng hợp lí, không ảnh hưởng gì nhiều đến khu dân cư. Quy trình lò đốt tiên tiến nên sẽ không có chuyện như người dân lo ngại”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, sau khi đưa vào hoạt động, mỗi giờ lò đốt được hơn nửa tấn rác, lượng tro xỉ thu được chỉ còn chưa đến 0,5% so với lượng rác thải đưa vào. Khoảng cách từ ống khói lò thải đến khu dân cư là 260m, đảm bảo không nằm trong khu vực gây nguy hiểm cho người dân. Ngoài ra, lò đốt chỉ chiếm 300 m2 trong số tổng diện tích 5000 m2, số còn lại sẽ được cải tạo để trồng trồng cây xanh.

“Tam Hải là xã đảo khó khăn nhưng rất có tìm năng về phát triển du lịch.Tuy nhiên với tình trạng ô nhiễm về rác thải như hiện nay thì không có khách nào dám tới để tham quan cả. Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền để người dân hiểu”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm