Lộ tài sản khủng của cựu chủ tịch PVN

Ngày 2-3, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xử đại án gây thiệt hại 2.000 tỉ đồng xảy ra tại OceanBank. Tòa tập trung xét hỏi làm rõ hành vi cố ý làm trái của Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc OceanBank, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) phủ nhận hoàn toàn cáo trạng và lời khai của Hà Văn Thắm cùng những bị cáo khác. Bị cáo Sơn cũng phủ nhận những lời khai nhận tội trước đó tại CQĐT và cho rằng lúc đó mình hoảng loạn tinh thần.

Em họ nhận 240 tỉ đồng giùm Nguyễn Xuân Sơn

Trong những lời khai bất lợi cho Nguyễn Xuân Sơn, đáng chú ý nhất là lời khai của Nguyễn Xuân Thắng, cựu giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược của OceanBank (em họ Sơn). Lời khai của Thắng đã hé lộ khối tài sản khủng của cựu chủ tịch PVN.

Bị cáo Thắng khai đã nhiều lần nhận tiền từ Hà Văn Thắm chuyển cho Sơn. “Bị cáo không nhớ số lần nhận tiền, tổng số tiền đã nhận và chuyển cho anh Sơn, tuy nhiên bị cáo tin tưởng CQĐT đã xác minh số tiền này và bị cáo xác nhận tổng số là hơn 240 tỉ đồng” - Thắng khai.

Tòa hỏi: “Có khoản tiền nào bị cáo sử dụng đưa cha mẹ để mua nhà bên Nga không?”. Thắng trả lời: “Cái đó anh Sơn có nhờ bị cáo, nói là chuyển cho anh số tiền 10,5 tỉ đồng cho cha mẹ bị cáo. Bị cáo chưa chuyển do đã tranh thủ đầu tư kinh doanh và bị thua lỗ nên chưa chuyển”.

Thắng còn khai Sơn nhờ đứng tên cổ phiếu của Ngân hàng (NH) Liên Việt, cổ phần của Công ty Đạm Cà Mau và cổ phần của Công ty Dầu khí, tổng số gần 5 tỉ đồng. Thắng nói có đứng tên giúp Sơn một căn hộ chung cư nhưng không biết trị giá bao nhiêu tiền vì Thắng chỉ ký tên trong hợp đồng và đưa lại cho Sơn.

Ngoài ra, Thắng còn khai một số lần nhận tiền từ Thắm để chuyển tiền cho Sơn. Số tiền này có lần Sơn nhờ Thắm đổi ra USD (tương đương 20 tỉ đồng); có lần Sơn nhờ Thắng nộp tiền mua bất động sản (7,1 tỉ đồng)...

Đối chất tại tòa, Hà Văn Thắm xác nhận chuyển tiền chi lãi ngoài cho Nguyễn Xuân Sơn thông qua Nguyễn Xuân Thắng và những người khác, tổng cộng khoảng 240 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Sơn trước sau vẫn khẳng định bị cáo hoàn toàn không nhận tiền này.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc OceanBank, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, tại tòa. Ảnh: TTX

Trách nhiệm người đại diện PVN tại OceanBank đến đâu?

Tại tòa, ông Hoàng Văn Dũng (đại diện theo ủy quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cho biết được sự đồng ý của Thủ tướng, PVN trở thành đối tác chiến lược của OceanBank, góp 800 tỉ đồng, tương ứng 20% vốn điều lệ của OceanBank. Tại PVN có quy chế quản lý vốn ở các doanh nghiệp khác. Với một đơn vị liên kết, PVN cử ba người vào HĐQT, ban giám đốc và ban kiểm soát NH. Hằng tháng, hằng quý những người này phải có báo cáo về HĐQT (sau là hội đồng thành viên) tập đoàn và xin ý kiến về tất cả hoạt động của họ ở PVN...

Tòa hỏi: “Từ năm 2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có kết luận cảnh báo OceanBank âm vốn. Vậy người được cử thực hiện chức năng giám sát đã giám sát cái gì?”. Ông Dũng trả lời: “Chúng tôi cử những nhân sự mà theo đánh giá của chúng tôi là có năng lực, có kinh nghiệm để thực hiện chức năng giám sát. Giả định họ đã thực hiện việc này mà chưa đúng với vai trò, trách nhiệm thì theo quy định của pháp luật và quy chế để xử lý”.

Theo ông Dũng, các báo cáo PVN nhận được là các báo cáo của OceanBank, của những người đại diện phần vốn góp. “Các báo cáo này đều ghi hoạt động có hiệu quả, thể hiện ở việc PVN được chia cổ tức trên các năm (2009-2013), tiền đó đã được hạch toán vào ngân sách. Chúng tôi không nhận được dấu hiệu nào chứng tỏ OceanBank hoạt động không hiệu quả. Khi NHNN có kết luận thanh tra thì chính chúng tôi không nhận được kết luận này. Kết luận thanh tra của NHNN đến phiên tòa hôm nay chúng tôi mới biết” - ông Dũng nói.

Tòa: “Tới quý I-2014, NHNN đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng, đồng nghĩa là phần vốn góp của PVN đã mất. Vậy báo cáo của những người giám sát của PVN, đại diện cho phần vốn góp của PVN, thể hiện thế nào?”. Ông Dũng: “Trường hợp HĐXX chứng minh được hậu quả xảy ra thì đã có các quy định rất rõ trong điều lệ và các quy định của pháp luật. Trường hợp này sẽ có chế tài tương ứng”.

HĐXX sau đó khẳng định tòa sẽ làm rõ trách nhiệm của những người quản lý vốn của PVN tại OceanBank và sẽ đề nghị xem xét trách nhiệm cá nhân cụ thể.

Hôm nay (3-3), tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Hà Văn Thắm nhận trách nhiệm và xin cho thuộc cấp

Tại tòa, Hà Văn Thắm thừa nhận hành vi cố ý làm trái như cáo trạng truy tố. “Nếu tòa kết luận hành vi của bị cáo là có tội thì đó là tội của bị cáo, không phải tội của chị Thủy (Lê Thị Lệ Thủy - phó tổng giám đốc OceanBank, phụ trách tài chính kế toán) và các đồng sự dưới quyền chị Thủy” - Thắm nói.

Thắm cho biết từ năm 2009 bị cáo cùng ban điều hành đã giao chỉ tiêu huy động vốn cho các đơn vị. Thắm nói thị trường rất khó khăn, bị cáo có nghe giám đốc khối nguồn vốn lúc đó là Nguyễn Hoài Nam (cũng là bị cáo trong vụ này) than họ bị một cổ hai tròng, nếu chi lãi ngoài thì bị cách chức hai năm, nếu không đạt chỉ tiêu thì bị hội sở cách chức.

“Bị cáo lúc đó có nói với Nam: Vậy em lựa chọn một trong hai kết quả, hoặc bị cách chức hai năm, hoặc bị anh cách chức vĩnh viễn” - Thắm cho biết và khẳng định: “Họ phải làm như vậy vì sức ép của bị cáo, phải chịu sức ép về chỉ tiêu huy động vốn. Bị cáo là người chịu trách nhiệm về việc này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm