Chưa bao giờ vấn nạn hát karaoke bằng loa khủng được bàn tới nhiều như hiện nay. Chỉ cần một người lên tiếng, lập tức có người đồng cảm ngay. Từ Bắc chí Nam, việc những giọng ca không chuyên được công nghệ hỗ trợ khuếch đại âm thanh, làm điếc tai xung quanh không còn là chuyện riêng nữa.
Hát tới bến!
Tại vùng quê thuộc huyện Thủ Thừa, Long An, người dân quá quen với dàn loa khủng di động, phục vụ nhu cầu văn nghệ của bà con. Cứ tới cuối tuần là trong xóm lại có vài nhà tổ chức nhậu nhẹt, hát hò ầm ĩ.
Chị Võ Thị Hà (ấp 1, xã Tân Thành) than thở: “Trước có đám tiệc mới hát, giờ nhậu nhẹt là đã kêu 5-6 cái loa to đùng vô hát mà các ông nhậu say thì họ hò hét kinh lắm”.
Theo bà Trần Thị Ảnh (xã Mỹ Thạnh), loa khủng từng làm bà suýt mất mạng. Bà bị bệnh tim, không chịu được áp lực âm thanh lớn. Một lần nghe tiếng ca hát bằng loa khủng quá lớn bà đã ngất xỉu tại chỗ, may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Trong khi đó, ở Hà Tĩnh, Nghệ An đã xảy ra nhiều vụ án quanh việc hát karaoke. Gây chấn động những ngày qua là vụ người đàn ông 59 tuổi ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh xách dao qua nhà hàng xóm đâm chết một người vì hát karaoke to.
Ảnh minh họa: HTD
Theo ông Nguyễn Viết Báu, Chủ tịch UBND xã Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh: “Trong xã có rất nhiều nhà mua loa, dàn máy hát karaoke. Nếu hộ dân hát quá khuya thì hàng xóm có thể gọi báo công an nhưng ban ngày thì khó xử phạt”. Chị NgTh. (TP Vinh, Nghệ An) phản ánh: “Nhà tôi thường xuyên bị tra tấn. Người vừa hát không hay lại còn say xỉn, gào tới tận 1 giờ sáng thì ai chịu nổi! Nhắc nhiều lần vẫn không thay đổi”.
“Yên ổn” nhất có lẽ là ở các tỉnh miền Bắc. Trong khu vực dân cư tại đường Trần Cung, Cổ Nhuế, Hoàng Quốc Việt..., những ngày cuối tuần thỉnh thoảng có một vài nhà tổ chức ăn uống, ca hát nhưng không đến mức thâu đêm suốt sáng.
Nói đến loa khủng, có lẽ phố đi bộ Hồ Gươm và Tràng Tiền là khu vực có tiếng nhất. Du khách thường xuyên phải chịu sự tra tấn bởi những loa thùng di động. Người hát chỉ cần loa, micro và một điện thoại thông minh là có thể hát thoải mái và cứ cách vài mét lại có một “tụ điểm” tự phát như vậy. Du khách đến đây cho biết họ rất mệt mỏi với tình hình ô nhiễm tiếng ồn ở đây.
Ý thức cộng đồng và hiểu biết pháp luật đều thiếu
Theo ThS xã hội học Trần Nam (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), trong cách ứng xử của người Việt hiện nay, mức độ tôn trọng sự riêng tư cuộc sống cá nhân của người khác còn chưa được để ý đúng mức. Nhiều người chưa ý thức được không gian, sự yên tĩnh của khu vực nơi mình sinh sống là tài sản chung của cộng đồng. Mặc dù việc bật loa, hát hò, ăn uống ở ngay nhà họ nhưng gây ảnh hưởng đến người khác là đã vi phạm đến không gian chung, bầu không khí chung của cả cộng đồng.
Ở nhiều nước, đặc biệt là phương Tây rất chú trọng giáo dục đề cao, sự riêng tư của cá nhân. Họ thực hành điều đó từ lúc còn nhỏ. Với họ, nói chuyện ồn ào trên tàu điện ngầm, xe buýt là khiếm nhã và bị phản ứng. Mặt khác, nhà nước của họ cũng có quy định rõ ràng về việc ảnh hưởng không gian công cộng và có biện pháp nghiêm khắc để yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành động.
Ở nước ta, do văn hóa cả nể nên nhiều vụ việc không được xử lý triệt để, tích tụ âm ỉ tới lúc bùng phát, đỉnh điểm như vụ giết người vừa qua. Do vậy, về lâu dài phải tăng cường giáo dục ý thức cho người dân về tôn trọng không gian riêng tư của người khác nhưng việc này đòi hỏi thời gian dài.
Khi ý thức chưa được nâng cao thì luật pháp phải vào cuộc để điều chỉnh và phải thật nghiêm khắc, bởi người dân sau 1-2 lần thấy chính quyền giải quyết không hiệu quả sẽ tự mình xử lý, như vậy rất nguy hiểm.
Còn theo phân tích của TS tâm lý Vũ Thiện Toàn, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, tình trạng một nhóm người bất kể không gian, thời gian mở nhạc lớn, gây ồn ào cả khu vực xuất phát từ việc chính người gây ra âm thanh đó chưa hiểu quy định pháp luật. Họ luôn cho rằng đó là nhà của họ, quyền tự do của họ, không ai được cấm cản.
Mặt khác, quy định pháp luật trong vấn đề này theo chính các cán bộ địa phương là chỉ xử lý nhắc nhở là chính, chưa tạo được tính răn đe cần thiết, trang thiết bị lại không có. Do đó, điều cần làm là trang bị máy móc cho cán bộ địa phương xuống hiện trường xử lý kịp thời. Lực lượng chức năng phải kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở và xử phạt thì mới ngăn được vi phạm. Song song đó, phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nâng cao ý thức thỏa mãn lợi ích riêng nhưng đừng ảnh hưởng đến không gian công cộng.
Theo TS Toàn, việc này cần phải được đưa ra trong các cuộc họp tổ dân phố, quy định trong chuẩn nếp sống văn minh đô thị, chuẩn công nhận gia đình văn hóa. Một khi người dân đã đồng thuận với quy ước của mỗi xóm, mỗi tổ dân phố thì họ sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn không gian công cộng, nếp sống chung, khi có việc xảy ra thì họ cũng sẽ dễ dàng chấp nhận điều chỉnh.
Hiện nay trên điện thoại thông minh có một số phần mềm dùng để đo cường độ tiếng ồn có độ chính xác cao, đơn cử như phần mềm SPL Meter, Sound Meter, Decibel X… Các phần mềm này dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh. Chúng ta có thể tự đo độ ồn nơi mình sống, quán nhậu, quán bar… để biết có mở quá độ ồn cho phép hay không. |