Sau bài viết “Loa khủng karaoke sẽ còn gây họa lớn”, báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục tìm hiểu về cách xử lý của các địa phương, cơ quan chức năng và pháp luật quy định ra sao đối với hành vi trên.
Khúc mắc ở thiết bị đo tiếng ồn
Ông Trương Ngọc Thanh Nhân (Chủ tịch UBND xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Trên địa bàn xã cũng xảy ra tình trạng các gia đình sử dụng loa hát karaoke, ảnh hưởng đến lối xóm nhưng xã chưa xử phạt trường hợp nào. Nguyên nhân là phải có máy đo độ ồn, nếu tiếng ồn vượt mức thì mới xử phạt được trong khi địa phương lại không có máy. Thông thường xã chỉ phạt hành chính hành vi làm mất an ninh trật tự theo Nghị định 167/2013 trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
Gặp khó khăn tương tự, ông Trần Minh Tú (Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho biết vấn nạn này chủ yếu do ý thức cộng đồng kém. Tuy nhiên, đây cũng là một sinh hoạt văn hóa, là nhu cầu của người dân và chủ yếu chỉ diễn ra vào cuối tuần. “Nếu ra quyết định xử phạt mà không có biện pháp yêu cầu (tịch thu tang vật) thì cũng không ổn. Ví như trong tiệc vui của gia đình, phường không thể đi tịch thu loa được vì rất phản cảm. Do đó, phường nhắc nhở là chính” - ông Tú nói.
Theo một cảnh sát khu vực phường Thạnh Xuân, quận 12 thì cách xử lý tùy vào mức độ của hành vi. “Với những hộ thường xuyên hát quá 22 giờ sẽ xử phạt hành vi gây ồn ào quá giờ quy định, hộ nào thỉnh thoảng hát thì sẽ nhắc nhở, hầu như họ đều chịu điều chỉnh ngay” - vị này cho biết.
Một lãnh đạo quận Gò Vấp nhận định: “Tình trạng này địa phương nào cũng có. Quận Gò Vấp chỉ xử phạt đối với người hát kẹo kéo dọc đường, còn trong cư dân chỉ nhắc nhở. Trường hợp nào dân phản ứng quá thì mới mời lên làm việc, vận động và sau đó họ có điều chỉnh”.
Việc hát karaoke trong nhà là nhu cầu trong cuộc vui miễn làm sao không phiền hà đến lối xóm chung quanh. Ảnh: HTD
Đề xuất đưa vào quy ước chung
Nói về cách ngăn ngừa loa khủng hành dân, ông Nhân cho biết Phòng Văn hóa huyện đã có văn bản chỉ đạo, đồng thời xã ra thông báo gửi các trưởng ấp tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được hát hò gây ồn ào. Nếu thấy nhà nào có loa là đến nhắc trước, chứ không để xảy ra ca hát huyên náo rồi mới nhắc.
Ngoài ra, xã cũng thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ chủ cho thuê trọ để tuyên truyền những quy định xử phạt có liên quan đến tiếng ồn, quán triệt tình hình an ninh địa phương. “Sau khi xã đã làm đầy đủ các bước thì sẽ kết hợp với huyện thực hiện xử phạt nếu phát hiện tình trạng karaoke gây ồn ào quá mức đến hàng xóm” - ông Nhân nói.
Một trong những giải pháp được phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đưa ra để hạn chế tình trạng này là đưa ra quy ước chung trong khu phố. Theo đó, trong quá trình họp tổ khu phố, người dân có quyền đề xuất những quy định có liên quan đến tình hình ở địa phương. “Sau đó khu phố họp thống nhất về những đề xuất, ý nào được đa số tán thành sẽ đưa vào quy ước chung và mọi người phải tuân theo. Nếu ai vi phạm quy ước thì sẽ đưa ra trước khu phố để nhắc nhở và điều chỉnh” - ông Tú thông tin.
Sẽ bị xử phạt nếu gây ồn ào Theo quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ). Nếu hát karaoke phát ra tiếng ồn vượt mức cho phép thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Mức phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất lên đến 160 triệu đồng. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Đã có không ít trường hợp vì tiếng ồn mà xảy ra xô xát. Các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh hơn các trường hợp này. Về phía người dân nên bình tĩnh xử lý, tránh vì bức xúc mà vướng vào vòng lao lý nếu gây thương tích hoặc chết người. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM |