70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22.12.1944 – 22.12.2014)

Lối đánh du kích sáng tạo trên bầu trời

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, là một trong những người đầu tiên tham gia Ban Nghiên cứu sân bay, tiền thân của quân chủng không quân hiện nay. Lúc đó Thiếu tướng Phan Khắc Hy làm chủ nhiệm chính trị.

Khoác áo dân sự phát triển không quân

Ông nhớ lại: Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1955, Bộ Quốc phòng thành lập Ban Nghiên cứu sân bay, tiền thân của quân chủng không quân do Trung tướng Trần Quý Hai làm trưởng ban để tiến tới thành lập lực lượng không quân. Sở dĩ phải thành lập Ban Nghiên cứu sân bay vì còn ràng buộc Hiệp định Giơ-ne-vơ nên ta phải khoác áo dân dụng để xây dựng lực lượng không quân. Ban nghiên cứu này kiêm chỉ đạo, chỉ huy Cục Hàng không dân dụng, tương đương cấp cục của Bộ Tổng tham mưu.

Ông bảo nói thì to tát như vậy nhưng khi tiếp quản, miền Bắc chỉ còn lại cái xác sân bay, còn các thiết bị máy móc Pháp đã di chuyển đi hết và lực lượng không quân bắt đầu xây dựng từ con số không. “Trong điều kiện thiếu thốn như vậy, mình đã nhờ chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ xây dựng quân chủng không quân. Họ giúp mình quản lý sân bay hàng không dân dụng do Pháp để lại” - tướng Hy cho hay.

Từ đây, Ban Nghiên cứu bắt đầu tuyển chọn người để xây dựng không quân, nguồn tuyển chủ yếu là lính trẻ trong bộ binh, có sức khỏe, tập trung bồi dưỡng văn hóa từ lớp 3 đến THPT và chỉ học ba môn toán, lý, hóa. Tiếp đó, Ban lập hai đoàn đi học Trung Quốc và Liên Xô chủ yếu là học lái, chỉ huy và cán bộ kỹ thuật. Bộ phận ở nhà được chuyên gia huấn luyện quản lý sân bay và chỉ huy bay dân dụng.

Đoàn đi học ở Trung Quốc do ông Đào Đình Luyện phụ trách và một đoàn khác do ông Nguyễn Phúc Trạch phụ trách. “Mỗi đoàn gồm 50 người nhưng trong quá trình học bị rơi rớt cho đến khi thành lập Trung đoàn 921 chỉ có 20 phi công” - tướng Hy nói.

Vốn liếng ban đầu, Liên Xô tặng một chuyên cơ IL14, trực thăng Mi14 và đội vận tải ILI14 và AN. Trung Quốc viện trợ năm chiếc, trong đó có hai máy bay vận tải tốc độ hơn 200 km/giờ, chở được một trung đội và ba máy bay thể thao. Các máy bay này ban đầu do chuyên gia đảm trách, phi công ta đi kèm và chỉ huy sân bay. Để phát triển lực lượng lần lượt các đường bay Gia Lâm - Vinh và Gia Lâm - Vinh - Đồng Hới được khôi phục. Đồng thời khôi phục các sân bay ở Tiên Yên (Quảng Ninh) và sân bay Nà Sản ở Cao Bằng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay Thiếu tướng Phan Khắc Hy khi đến chúc tết cán bộ, chuyên gia quân chủng phòng không không quân năm 1966. Ảnh: TƯ LIỆU

Thành bại trong tích tắc

Năm 1959, Trung đoàn 919 không quân đầu tiên được thành lập, bộ khung gồm hai đại đội bay và một căn cứ sân bay. Cùng đó Trường huấn luyện bay 910 ở Cát Bi, Hải Phòng cũng được thành lập để đào tạo, huấn luyện phi công. Lúc này phi công ta đã làm chủ được phương tiện vận tải, còn phi công chiến đấu vẫn còn học ở nước ngoài. Hàng loạt công việc gấp rút được triển khai để chuẩn bị tiếp nhận máy bay chiến đấu về nước. Đáng chú ý nhất là Chính phủ mở rộng sân bay Nội Bài để chuẩn bị tiếp nhận máy bay MiG-17.

Tháng 8-1964, Mỹ mở rộng đánh miền Bắc, cũng là thời điểm Trung đoàn tiêm kích 921 về Việt Nam để chuẩn bị chiến đấu. Ngay trong trận đánh đầu tiên, phi công của ta đã làm được điều thần kỳ, ngày 3-4-1965, biên đội (gồm bốn MiG-17) của Phạm Ngọc Lan đã bắn rơi hai máy bay F8 của hải quân Mỹ. Sang ngày thứ hai, biên đội của Trần Hanh tiếp tục bắn rơi hai máy bay F105 trên bầu trời Hàm Rồng.

Tướng Hy đúc kết: Không quân ta còn non trẻ nhưng khi xuất kích không sợ địch và có nhiều cách đánh sáng tạo. Kinh nghiệm của Liên Xô không thể áp dụng được tại Việt Nam bởi chiến thuật của Liên Xô dùng đông đánh đông, dùng mạnh đánh mạnh. Trung Quốc cũng thế. Để linh hoạt trong tác chiến, ta vận dụng nghệ thuật lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, tranh thủ yếu tố bất ngờ.

Minh chứng là MiG-17 tốc độ thấp nhưng lại bắn rơi F4 và F105 tốc độ cao. Trong “cái khó ló cái khôn”, địch cậy thế tốc độ cao tăng tốc đuổi, máy bay ta tốc độ thấp vòng lượn nhỏ, ngược lại máy bay đối phương tốc độ cao phải mở vòng lượn lớn hơn. Chờ có thế, phi công ta mở vòng sớm nên bám được đuôi máy bay địch để phản công phía sau khiến họ trở tay không kịp. Đây gọi là chiến thuật đánh vòng. Ngược lại, địch ỷ thế mạnh thấy mình vòng thì nó đuổi và dính bẫy cho mình bắn.

Ngay từ đầu nhận nhiệm vụ xây dựng lực lượng không quân, tướng Hy rất bỡ ngỡ nhưng đầy tự hào. Lực lượng ban đầu chủ yếu là lính bộ binh, trình độ văn hóa thấp, ròng rã chín năm trường đào tạo, rèn luyện (từ năm 1955 đến 1964) mới xây dựng cơ sở trong nước, đào tạo lớp lái. Riêng tướng Đào Đình Luyện đi học biền biệt chín năm với 200 giờ bay, nhận yêu cầu ra quân phải đánh thắng trận đầu với lực lượng non trẻ.

Một phi công Việt Nam bằng một trung đoàn của Mỹ

Vì mệnh hệ nào đó mà phi công không trở lại chiến đấu được thì đau xót vô cùng. Mỗi trung đoàn chỉ có 20 phi công, mỗi phi công đào tạo mất năm năm. Họ là tài sản, mất một phi công là mất đi tài sản lớn và tiêu hao sinh lực lớn của lực lượng không quân. Nếu làm phép tính, một phi công của mình bằng một trung đoàn của Mỹ. Bởi thế Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn căn dặn lực lượng không quân phải giảm tổn thất lớn nhất.

Thiếu tướng PHAN KHẮC HY

Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh năm 1927. Ông làm cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật từ năm 1945. Năm 23 tuổi là tỉnh đội trưởng kiêm phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Năm 1952 được điều làm chính ủy Trung đoàn 18, Đại đoàn 325, đại đoàn đầu tiên của mặt trận Bình Trị Thiên. Năm 1955, ông là chủ nhiệm chính trị Ban Nghiên cứu sân bay, tiền thân của lực lượng phòng không không quân hiện nay. Năm 1964, ông làm phó tư lệnh bộ đội Trường Sơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới