Lợi mật, lợi đủ điều!

Dòng mật một khi từ gan qua túi mật nhưng không xuống đến ruột non với tiến độ bình thường là lý do khiến:

- Trì trệ tiêu hóa và rối loạn biến dưỡng chất béo.

- Viêm dạ dày vì thừa chất chua trong dạ dày.

- Viêm ruột vì phản ứng lên men trong khung ruột bội tăng.

- Viêm gan vì mật dội ngược về gan.

- Vàng da vàng mắt, ngứa ngáy toàn thân lại thêm mệt mỏi vì mật đổ ngược vào máu.

- Gây cơn đau tá hỏa vì tạp chất kết tủa trong túi mật thành viên sỏi khiến túi mật co thắt liên hồi để tìm cách tống khứ viên sỏi!

Nhiều mặt giáp công mới mong lợi mật

Muốn mọi chuyện hanh thông thì mật phải nhanh chân xuống ruột non càng sớm càng tốt. Muốn được như thế phải làm sao để mật được bài tiết khỏi gan theo kiểu không cần nhiều nhưng đều. Đồng thời cơ vòng túi mật đừng co thắt thái quá và trật nhịp theo kiểu khi cần không co, khi co không giãn. Chính vì thế mà bài thuốc “nhuận gan lợi mật” của thầy thuốc y học cổ truyền, nếu đúng bài bản, bao giờ cũng được xây dựng theo thế “kiềng ba chân” bao gồm cây thuốc:

- Chống tình trạng viêm tấy trong nhu mô gan khiến mật không được tổng hợp theo nhu cầu của cơ thể.

- Hưng phấn tiến trình phóng thích mật khỏi gan càng sớm càng tốt.

- Chống co thắt cơ vòng để mật nhanh chân trên đường từ túi mật xuống ruột non.

Thiếu mật trong gan, ruột là một trong nhiều nguyên nhân gây mất ngủ và mệt mỏi kinh niên.

Thành tiên nhờ đủ mật

Ăn được ngủ được là tiên. Bên cạnh chuyện ăn ngon mà không khó tiêu nhờ đủ mật là chuyện ngủ thẳng giấc nhờ không thiếu mật. Nếu nghĩ muốn ngủ ngon phải dỗ ngọt hệ thần kinh thì tuy đúng nhưng chưa chính xác. Thầy thuốc Đông y đều nằm lòng nguyên tắc “người thiếu mật là người khó ngủ”. Tưởng đây là chuyện ngày xưa thì sai. Các nhà nghiên cứu thời nay đều rõ về mối liên hệ giữa chức năng gan mật và giấc ngủ.

Kết quả nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy tiến độ bài tiết mật ra khỏi gan và lưu lượng mật xuống đến ruột non là một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng trên chất lượng của giấc ngủ. Không chỉ có ích cho biến dưỡng chất béo, không chỉ nhờ đó mà sỏi mật không kịp kết tủa, tình trạng lên men và tích lũy độc chất trong lòng ruột khó tác quái nếu mật đi đúng đường. Điểm đáng nói là khung ruột càng sạch thì lực lượng bạch cầu và thực bào càng bén nhọn khi truy tầm bệnh nguyên, từ vi khuẩn cho đến độc chất sinh ung thư.

Cái hay của lợi mật không chỉ có bấy nhiêu. Lực lượng thực bào càng đông, càng mạnh thì hệ thần kinh trung ương càng phóng thích nhiều serotonin, hoạt chất xúc tác tín hiệu điều khiển giấc ngủ khiến gia chủ vừa đặt lưng là thẳng giấc. Bằng chứng là nhóm hoạt chất cytokin, chất có công năng dẫn truyền tín hiệu an thần, có hàm lượng cực đại trong máu khi chức năng gan mật vận hành một cách hài hoạt.

Ngược lại, nếu vì lý do nào đó mà gan ruột đều thiếu mật thì trung khu điều khiển giấc ngủ cũng bị rối loạn lây. Tình trạng mệt mỏi, đau đầu, bi quan khi thức dậy sớm muộn cũng gõ cửa nạn nhân. Không lạ gì nếu đa số nạn nhân của “hội chứng mệt mỏi kinh niên” là người có vấn đề với chức năng gan mật, như thường gặp ở người bị viêm gan, viêm đường dẫn mật, sỏi túi mật…

Mất ngủ do thiếu mật là chuyện hoàn toàn thuận lý vì hệ miễn nhiễm vốn đã tất bật suốt ngày vì stress càng mau kiệt sức nếu phải làm thêm ngoài giờ để đối phó với lượng độc chất tích lũy càng lúc càng nhiều trong khung ruột. Đó chính là lý do tại sao thầy thuốc coi trọng quan điểm toàn diện bao giờ cũng kết hợp nhân tố “nhuận gan lợi mật” trong phác đồ điều trị cho người trăn trở vì căng đầu. Chữa mất ngủ bằng thuốc an thần ai làm chẳng được?!

Ai dễ thiếu mật?

Làm sao để gan liên tục tạo mật nhưng mật đừng ở lại trong gan quá lâu chính là một trong các điều kiện cơ bản để phòng tránh bệnh gan mật. Điều này càng quan trọng hơn nữa ở đối tượng có:

- Chế độ dinh dưỡng quá đơn điệu, hay thường gặp hơn nữa, cường điệu với chất đạm động vật, đường cát, thực phẩm công nghệ, thức ăn nhanh.

- Bữa ăn thất thường, ăn quá nhanh, ăn mỗi lần quá no, ăn quá trễ về đêm.

- Thói quen lạm dụng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.

- Công việc văn phòng khiến ít vận động hằng ngày.

- Số giờ ngủ không đủ, nhất là thiếu giấc ngủ trưa.

- Thời biểu làm việc tự gây rối loạn nhịp sinh học vì biến đêm thành ngày hay ngược lại.

- Stress là bạn đồng hành thay vì niềm vui trong công việc.

- Xác suất ngộ độc hóa chất gia dụng, nông nghiệp, công nghiệp, dược phẩm cao hơn người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm