Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 7%, song vẫn có một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng lên đến 22%.
Ưu tiên cho vay khách hàng cá nhân
Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý 3 tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488.000 tỉ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đang cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành chỉ khoảng 7% tới cuối tháng 9.
Đáng chú ý, tín dụng trong quý 3 đã tăng 8% so với quý trước, trong đó cho vay khách hàng cá nhân và SMEs đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.
Ở chiều thanh khoản, huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ trong quý 3 giữ nhịp tăng ổn định từ các quý trước, bỏ xa mức trung bình ngành 5,9% để chạm mức tăng gần 35% so với đầu năm. Trong đó, riêng tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng trưởng ấn tượng 60% so với đầu năm.
Cùng với đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ đạt mức tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỉ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank. Tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại VPBank đạt mức 26,6% tại thời điểm cuối tháng 9, thấp hơn nhiều so với “mức trần” 34% mà NHNN quy định.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VPBank riêng lẻ và 2 công ty con VPBankS (công ty chứng khoán) và OPES (công ty bảo hiểm phi nhân thọ) đạt hơn 12.000 tỉ đồng dù thị trường vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn trong giai đoạn nền kinh tế dò đường tìm lại đà tăng trưởng.
Đáng chú ý, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit – công ty con của VPBank đã vượt qua giai đoạn đầu tái cơ cấu và dần tìm lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có từ trước đại dịch. Theo đó, FE Credit bắt đầu có lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý 3, sau một thời gian liên tục lỗ.
Tương tự, trong báo cáo tài chính do MSB vừa công bố ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 5.223 tỉ đồng, đạt 83% kế hoạch năm. Mức lợi nhuận này tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường biến động.
Tổng tài sản ngày 30-9 của ngân hàng này đạt trên 249.000 tỉ đồng, tăng 17% so với cuối năm ngoái. Tổng dư nợ tín dụng đạt gần 141.244 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình toàn hệ thống và tập trung cho vay những lĩnh vực ít biến động như thương mại công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng.
Tiền gửi khách hàng đạt 129.618 tỉ đồng, tăng 11% so với cuối năm trước. Tỉ lệ CASA đạt 27,71%, đánh dấu sự hồi phục sau 2 quý liên tục giảm.
Nhà băng thu lợi "khủng" từ mảng dịch vụ
Theo kết quả kinh doanh 9 tháng vừa được ACB công bố cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt hơn 15.000 tỉ đồng, đạt 75% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, riêng quý 3, ACB ghi nhận mức lợi nhuận đạt hơn 5.000 tỉ đồng.
Thu nhập ngoài lãi tăng 45% so với cùng kỳ đã góp phần giúp ACB tăng trưởng lợi nhuận. Trong đó, mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư tiếp tục đóng góp lớn vào thu nhập giúp đưa tỉ trọng thu nhập ngoài lãi lên 23% trong tổng doanh thu. Bên cạnh đó, với tăng trưởng tiền gửi khách hàng 9 tháng đầu năm đạt 7,6% giúp gia tăng thị phần huy động.
Hiện mảng bán lẻ chiếm tỷ trọng hơn 93% danh mục cho vay của ACB và ngân hàng không tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp, cho vay kinh doanh bất động sản… Nhờ vậy, dù nợ xấu tại ACB nói riêng có xu hướng tăng lên mức 1,2%, song đây vẫn là tỉ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất thị trường.
Nhìn chung, rủi ro về chất lượng tài sản đối với ACB tương đối thấp do không sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, tỉ lệ nợ xấu thấp và 98% khoản vay của ACB được đảm bảo với tỉ lệ cho vay trên giá trị tài sản chỉ 54%.
Mới đây, lãnh đạo ngân hàng ACB cho biết đã giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Hiện ACB đang triển khai tiếp tục gói tín dụng lên 50.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khó khăn, tạo nguồn cung ứng vốn cần thiết cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, đồng thời tích cực đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp từ NHNN.
Đối với khách hàng cá nhân, ACB hiện có gói tín dụng có mức lãi suất vay ưu đãi khoảng 7 - 8%/năm nhằm gia tăng tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, ACB còn thực hiện áp dụng mức lãi suất 9%/năm cố định trong thời gian 2 năm đầu như một cam kết bảo đảm quyền lợi lâu dài cho khách hàng thay vì chỉ được ưu đãi lãi suất trong thời gian đầu vay, sau đó sẽ nâng lên.