Lời trần tình của cựu đội trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu trong vụ 200 triệu lít xăng giả

(PLO)- Bị cáo Ngô Văn Thụy nói đã đánh mất tất cả, rất đau xót, mong HĐXX xem xét để được về sớm với gia đình, với quãng đời còn lại…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và 73 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.

HĐXX xét hỏi Ngô Văn Thụy (cựu đội trưởng đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), bị cáo duy nhất bị truy tố về tội nhận hối lộ (73 bị cáo còn lại bị truy tố tội buôn lậu).

Bị cáo Ngô Văn Thụy tại tòa. Ảnh: VH

Bị cáo Ngô Văn Thụy tại tòa. Ảnh: VH

Kế hoạch giữ bí mật tuyệt đối để “đánh án” bị lộ

Theo cáo trạng, bị cáo Thụy với nhiệm vụ được giao, có chức năng kiểm tra, khám xét, bắt giữ đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn từ Bình Thuận đến Cà Mau. Từ nguồn tin, Thụy biết các đối tượng có hành vi buôn lậu xăng về Vĩnh Long để tiêu thụ và triển khai lực lượng bắt giữ.

Biết được việc này, Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ (tự Sơn, ngụ Vĩnh Long) tiếp cận, đưa hối lộ với tổng số tiền hơn 830 triệu đồng.

Tại tòa, bị cáo Thụy cho biết tháng 1-2021, khi nhận tin tố giác của nguồn tin, bị cáo trực tiếp đi trinh sát tại khu nhà nuôi yến (sông Hậu, Vĩnh Long) có tàu không có hàng. Tuy nhiên, bị cáo có niềm tin rằng tin báo của quần chúng là chính xác vì tin báo có cả hình ảnh. Lúc này, bị cáo xác định tàu chở xăng từ ngoài biển vào khu nhà nuôi yến cũng phải mất hơn 10 tiếng mới về Cần Thơ.

“Với kinh nghiệm bản thân, bị cáo nhận thấy nhóm đối tượng trong đường dây này có mối quan hệ xã hội rộng, quan hệ với lực lượng chức năng mới làm ăn trót lọt được như vậy. Tàu xăng chở từ ngoài biển vào sông Hậu đến nhà nuôi yến phải qua lực lượng cảnh sát biển, lực lượng bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, CSGT đường thủy. Để đánh án thành công, bị cáo buộc phải giữ bí mật tuyệt đối đến khi phát hiện tàu, bị cáo báo cáo lên lãnh đạo Tổng cục Hải quan để tăng cường lực lượng tổ chức bắt giữ cũng không muộn” - bị cáo Thụy trình bày.

Theo đúng kế hoạch thì đêm 25, rạng sáng 26-1-2021, tàu chở xăng từ ngoài biển sẽ vào sông Hậu nhưng đến sáng vẫn chưa thấy tàu xuất hiện ngoài cửa sông. Bị cáo có linh cảm đã bị lộ, có người làm lộ kế hoạch nên đã cho anh em trong đội rút quân, qua tết Nguyên đán tính tiếp.

“Với vụ việc này, bị cáo không báo cho cấp trên là do nghĩ sẽ xử lý được và cần giữ bí mật tuyệt đối vụ việc. Trước đây, bị cáo cũng đã làm nhiều vụ thành công theo phương án này nên mới nghĩ càng ít người biết càng tốt” - bị cáo nói.

Ngô Văn Thụy bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 800 triệu đồng từ Phan Thanh Hữu và đồng phạm để làm ngơ cho đường dây tội phạm này.

Nhận quà 500 triệu nhưng không biết người đó là ai

Bị cáo Thụy cũng khai nhận ngày 26-1-2021, Tứ gọi điện thoại xin gặp vì có người quen giới thiệu. Bị cáo đồng ý gặp Tứ tại một nhà hàng ở Cần Thơ. Tứ có đặt vấn đề “sau này em ăn gì nhờ anh giúp” rồi đưa 10.000 USD và thẻ ATM nói bên trong có 100 triệu đồng. Bị cáo không nhận và nói “tôi chẳng giúp được gì mà nhận”. Sau đó, Tứ cầm lại tiền và thẻ ATM.

HĐXX hỏi tại sao bị cáo đồng ý gặp Tứ khi chưa biết người này là ai. Thụy giải thích: “Khi Tứ gọi điện thoại xin gặp là bị cáo biết thông tin đánh án đã bị lộ. Bị cáo gặp vì muốn khai thác thông tin về đường dây này và tìm hiểu ai là người làm lộ bí mật của mình. Bị cáo không hề có ý sẽ nhận hối lộ nên mới kiên quyết từ chối nhận tiền của Tứ”.

Mấy ngày sau, Tứ gọi điện thoại xin địa chỉ nhà gặp nói chuyện và được Thụy đồng ý. Tứ cùng bạn gái là Trần Ngọc Thanh đến nhà Thụy tại quận Phú Nhuận (TP.HCM), đưa một phong bì đựng 10.000 USD và một thẻ ATM có 100 triệu đồng nhưng Thụy vẫn cương quyết không nhận. Tứ mời Thụy đi ăn thì Thụy mời ăn cơm tại nhà. Trước khi lên lầu ăn cơm, Tứ nói Thanh bỏ tiền và thẻ ATM vào hộc đôn ở cạnh bàn uống nước.

Ít ngày sau, Hữu đến nhà gặp Thụy. Hữu mang 500 triệu đồng gói vào túi nói “gửi quà cho anh em ăn tết” và để vào hộc dưới bàn. Bị cáo nói: “Em có giúp được gì anh đâu mà quà, thôi anh về đi”. Hữu ra về. Bị cáo Thụy cho rằng không nói với Hữu câu “từ giờ đến tết anh cứ làm, ra tết em vào thì anh em mình ngồi nói chuyện” như cáo trạng nêu.

“Lúc Hữu để lại tiền tại nhà, bị cáo không hề biết. Khoảng 2-3 ngày sau, bị cáo mới biết. Nếu biết, bị cáo đã bắt họ mang về luôn. Do gần tết nên bị cáo nghĩ để qua tết sẽ trả lại nhưng chưa kịp trả thì đã bị bắt” - Thụy nói.

Cũng theo bị cáo này, khi gặp, bị cáo không biết đó là Hữu, chỉ nghĩ đó là giám đốc một công ty của vụ nào đó mà hải quan đang làm vì khi nói chuyện không hề nhắc đến chuyện kinh doanh xăng dầu lậu. Bị cáo nghĩ tết rồi nên sau tết sẽ cho anh em xem người để 500 triệu đồng này là giám đốc công ty nào để trả.

HĐXX hỏi “bị cáo đồng ý cáo trạng và nghĩ gì về hành vi của mình”. “Bị cáo đã 45 năm công tác, năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có huân chương Chiến công, phần thưởng, bằng khen của Chính phủ mà để xảy ra vi phạm như vậy đã đánh mất tất cả. Đây là bài học rất đau xót, mong HĐXX xem xét để bị cáo về sớm với gia đình, với quãng đời còn lại” - bị cáo Thụy giãi bày.

HĐXX thông báo tạm dừng phiên tòa năm ngày để xác minh, bổ sung một số chứng cứ liên quan đến vụ án.

Hai cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển lãnh án vì nhận hối lộ

Liên quan đến đường dây xăng dầu lậu này, hồi tháng 7, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 14 bị cáo. Trong đó, bị cáo Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) bị tuyên phạt 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù, Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù cùng về tội nhận hối lộ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm