Khi ông bầu thích thì tiền đổ cho bóng đá thật nhiều và đội bóng nổi đình nổi đám nhưng lúc ông bầu chán bóng đá thì đội bóng giải tán. Rõ nhất là các đội bóng chỉ tồn tại vài năm rồi giải tán vì ông bầu hết yêu bóng đá như Sài Gòn Xuân Thành, Vissai Ninh Bình, Kiên Long Bank Kiên Giang, Navi Bank Sài Gòn… Chính vì thế mà việc Long An đổi hình thức một ông bầu quản lý một đội bóng bằng việc 10 công ty cùng quản lý một đội bóng, ngày 12-12 Công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Long An sẽ ra mắt và tiếp nhận quyền quản lý đội bóng. Cái tên Đồng Tâm Long An như trước đây sẽ thay bằng cái tên Long An và đội bóng không còn là của ĐT Long An nữa mà là của 10 doanh nghiệp trong tỉnh gắn bó.
Việc thay đổi mô hình hoạt động và danh xưng của CLB sẽ hạn chế được việc một ông bầu bỗng dưng chán bóng đá thì đội bóng sẽ xóa sổ.
ĐT Long An sẽ thay bằng tên Long An và đội sẽ chịu sự quản lý của 10 doanh nghiệp chứ không phụ thuộc một ông chủ. Ảnh: XUÂN HUY
Đây thực sự là cách làm mà những quốc gia tiên tiến vẫn thực hiện với các CLB và được ủng hộ lẫn phát huy vì chống được căn bệnh ông chủ chán bỏ bóng đá thì cả một tập thể hay một đội bóng truyền thống phải hủy bỏ.
Đây cũng là điều mà chính Công ty VPF khuyến khích các CLB chuyên nghiệp Việt Nam nên theo mô hình trên để phát triển bền vững.
Trước mắt CLB Long An (tiền thân là ĐT Long An) mùa này khi đổi mô hình sẽ có 10 doanh nghiệp tham gia thành lập công ty, với vốn điều lệ góp vào là 30 tỉ đồng và tên đội bóng sẽ gần gũi với người hâm mộ Long An - theo suy nghĩ là đội của tỉnh Long An được tồn tại bởi các doanh nghiệp Long An chứ không còn là đội của ông bầu Thắng hay bầu Nhiệm như trước đây.
Mừng cho bóng đá Việt Nam có một mô hình mới và đó cũng là hướng ra của bóng đá chuyên nghiệp.