LS Trương Thanh Đức: 'Không thể cấm bitcoin'

Một trong những vấn đề đặt ra tại hội thảo “Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018” diễn ra ngày 5-1, là vấn đề bitcoin có bị cấm dưới hình thức đầu tư hay không.

Trả lời câu hỏi này, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nói: “Không thể cấm, vì không thuộc vào 4 điều kiện để có thể ban hành luật cấm theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Pháp luật chỉ ngăn cấm nguy cơ, chứ không thể ngăn cấm cơ hội, dù cơ hội đó có là vô cùng rủi ro”.

Theo LS Đức, bitcoin không phải là công nghệ mà là một sản phẩm của công nghệ Blockchain. “Đây là một sản phẩm ứng dụng công nghệ nở rộ như nấm sau mưa, với hơn 1.300 loại và còn nảy nở mạnh nữa”, LS Đức đánh giá.

LS Trương Thanh Đức: 'Không thể cấm bitcoin' ảnh 1Luật sư Trương Thanh Đức: "Bitcoin không phải là tiền, mà là quyền tài sản".

Vậy bitcoin có phải là tiền không? LS Đức nói: “Bitcoin không phải là tiền, chẳng là ngoại tệ, càng không phải là nội tệ; cũng không phải là tiền điện tử, tiền mã hoá, không có mối liên hệ trực tiếp với đồng tiền, mà chỉ là một thứ tiền nhái, tiền ảo. Các quốc gia đang và sẽ tạo ra đồng tiền điện tử trên sở đồng tiền thật với công nghệ tương tự như tạo ra đồng tiền ảo. Đó mới là tiền điện tử, tiền kỹ thuật số”.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, LS Đức cho rằng bitcoin không phải là 3 loại tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, mà là loại tài sản thứ tư, đó là quyền tài sản.

“Vấn đề là tài sản thì mặc nhiên phải theo quy định của BLDS. Vậy vấn đề là chúng ta có công nhận bitcoin là hàng hoá hay không theo quy định của Luật Thương mại”, LS Đức nói. 

Từ đó, LS Đức cho rằng không nên cấm giao dịch đầu tư, kinh doanh bitcoin, mặc dù bitcoin “rất ảo và rất rủi ro”. Lý giải rõ hơn, LS Đức nói: “Theo luật hiện hành thì bitcoin không bị cấm giao dịch mua bán, trao đổi, tặng cho... chỉ bị cấm thanh toán, tức là cấm coi bitcoin như tiền”.

Bitcoin đang là chủ đề được bàn luận và quan tâm

LS Đức cũng thông tin: không có chuyện thắt chặt pháp lý với tiền ảo từ ngày 1-1-2018. Tội phạm hình sự chỉ đặt ra đối với việc “Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp “trong hoạt động của các Tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 206 về “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

“Nếu không công nhận bitcoin là hàng hoá thì nó vẫn là một loại tài sản và vẫn được giao dịch, trừ khi Quốc hội ban hành luật cấm. Nếu công nhận nó là hàng hoá thì sẽ cho lên sàn giao dịch chính thức như một sản phẩm tài chính. Không thể cấm bitcoin vì không thuộc vào 4 điều kiện để có thể ban hành luật cấm theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Pháp luật chỉ ngăn cấm nguy cơ, chứ không thể ngăn cấm cơ hội, dù cơ hội đó có là vô cùng rủi ro”, LS Đức cho hay.

Ông Noah Eric Silverman nhận định khu vực châu Á  rất hào hứng và dễ dàng chấp nhận Bitcoin

Ông Noah Eric Silverman, sáng lập Công ty Helios và là chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo, tiền ảo, nhận định: “Năm 2017 bpitcoin được nhiều nhà đầu tư coi như một dạng đầu tư tương tự vàng, được coi như tiền tệ. Ở Nhật Bản, bitcoin được sử dụng ở quán cà phê, nhà hàng. Ở những nơi khác, nhiều doanh nghiệp coi bitcoin là công cụ trong hoạt động kinh doanh nhưng 95% là thất bại. Nhưng điều đáng mừng là 5% còn lại đang phát triển và họ sẽ là những doanh nghiệp đột phá”.

Ông Noah Eric Silverman cũng nhận định rằng: Châu Á là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, mọi người rất hào hứng với tiền ảo, họ dễ dàng chấp nhận sử dụng bitcoin.

TS Cấn Văn Lực: "Không nên cấm mà nên tìm cách quản lý bitcoin"

Đúc kết về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho hay: Trong khảo sát tại 10 nước thì 6 nước có xu hướng quản lý bitcoin theo hệ thống bài bản, còn lại 4 nước còn khá thận trọng như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc...

“Chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn bitcoin mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý bitcoin như thế nào”, ông Lực khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm