Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết như trên tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học diễn ra sáng 29-11.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ thông tin với báo chí tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Hiếu cho biết theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, việc chọn lựa SGK cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 chưa thực hiện theo Luật Giáo dục (sửa đổi), tức do UBND các tỉnh lựa chọn. Năm học 2020-2021, quyền lựa chọn SGK sẽ do các trường thực hiện, theo Nghị quyết 88. Như vậy hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1 cùng tập thể giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh.
Theo ông Hiếu, tất cả SGK đã được Bộ Giáo dục thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để thực hiện triển khai trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên và theo hướng dẫn về việc chọn lựa SGK.
Các đại biểu đang xem bộ sách "Chân trời sáng tạo" do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Nói về bộ sách Chân trời sáng tạo của TP.HCM đã được Bộ thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng, ông Hiếu cho hay Sở đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cử đội ngũ nhà giáo trong các hội đồng bộ môn tham gia biên soạn.
Bộ sách Chân trời sáng tạo là nỗ lực của TP với sự tham gia của tổng chủ biên, chủ biên là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của các trường đại học để có tầm nhìn xuyên suốt chương trình phổ thông và thực hiện đầy đủ chương trình tổng thể theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT.
Trước lo lắng về những bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một sách khác nhau, ông Hiếu khẳng định: “Các trường không kiểm tra kiến thức nội dung trong sách nào mà kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh. Ngay bài khảo sát lớp 3 TP.HCM đang thực hiện không đặt nội dung câu hỏi kiến thức cụ thể trong chương trình SGK mà học sinh phải học xong kiến thức và từ đó đưa ra cách giải quyết vấn đề".
"Định hướng phát triển năng lực là như vậy chứ không phải chỉ học SGK này mà không làm được SGK khác. Điều kiện dạy học SGK là cụ thể để triển khai năng lực trong chương trình yêu cầu. Cho nên việc học sách nào thì giáo viên cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình”.