Nhận định về vai trò Luật DN, quyền Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận định: “Tôi nghĩ Luật DN chỉ giải quyết được chuyện gia nhập thị trường. Còn sau khi gia nhập rồi, chuyện DN có năng lực để tiếp nhận cơ hội kinh doanh hay không, cơ hội đó có công bằng hay không thì vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ”.
Ông Cung nói thêm vấn đề quản trị công ty, dù trong luật gọi là tiếp cận được với thông lệ quốc tế nhưng thực tế không được như thế. Hay việc DN không “lớn” được hoặc “lớn” theo cách ta không mong đợi cũng là một trăn trở. Đó là chưa nói đến việc DN nhà nước vẫn chưa áp dụng theo khung này, vẫn ở ngoài môi trường kinh doanh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Luật DN đã đảm bảo yếu tố tự do của DN. Tuy nhiên, trong cải cách thể chế tới đây, “tinh thần đối với Luật DN không phải là tự do hóa nữa mà phải là thuận lợi hóa”.
Tiếp lời bà Lan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại thì cho rằng DN tư nhân chính là “cứu cánh” của đất nước, do vậy trong các chính sách cần hướng tới DN tư nhân. Cụ thể, cần phải có chính sách riêng đối với ba loại DN tư nhân là các tập đoàn lớn, các DN nhỏ và vừa, các DN mới khởi nghiệp.
Các chuyên gia đồng tình rằng nếu không cải cách DN nhà nước thì đây tiếp tục là trở ngại khiến DN tư nhân không thể phát triển được.
ĐỨC MINH