Luật sư còn bị cán bộ làm khó

Tôi rất chia sẻ với ý kiến của luật sư (LS) Đỗ Văn Vinh (Giám đốc Công ty Luật Đức Việt) trong bài viết “Nhờ báo can thiệp mới được hòa giải” (Pháp Luật TP.HCM ngày 3-1). Đúng là đâu đó vẫn còn nhiều cán bộ quan liêu, hạch sách, chậm trễ theo lối “dân cần, quan không vội”, làm khó LS… khiến người dân lẫn những LS tham gia công tác ngoài tố tụng không bằng lòng. Từng là LS (luật gia Nguyễn Thanh Lương nguyên là phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre, hiện là trưởng Văn phòng công chứng Mỏ Cày, Bến Tre - PV), tôi cũng nhiều lần nhận thấy nếu không có sự can thiệp của báo chí, không có sự đấu tranh mạnh mẽ từ nhiều phía thì những tiêu cực của cán bộ khó được phanh phui để góp phần làm cho hoạt động của cơ quan công quyền được đúng pháp luật hơn.

Làm giảm uy tín luật sư

Theo quy định, dịch vụ pháp lý của LS bao gồm: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Thế nhưng nhiều cán bộ vẫn còn hay xem LS là “cò pháp lý”, “cò chuyên nghiệp” nên đôi lúc họ nhìn thiếu thiện cảm, xem LS là những chuyên gia gây khó, gây rối, nhất là trong những vụ khiếu nại hành chính, xử lý tranh chấp về đất đai…

Tư vấn cho thân chủ làm thủ tục công chứng. Ảnh minh họa: HTD

Có lần tôi thay mặt thân chủ tham gia hòa giải tại một phường ở quận 2 (TP.HCM).Nhưng cán bộ tư pháp giải thích rằng LS trợ giúp cho thân chủ tại văn phòng hoặc khi nào ra tòa, còn ở đây là ủy ban, chỉ tổ chức hòa giải, LS không cần thiết tham gia. Sau đó vị này chỉ đồng ý cho tôi ngồi dự thính dù rằng tôi đã trình giấy ủy quyền, kể cả giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề LS. May mà có khách hàng đi kèm nên tôi miễn cưỡng để khách hàng trực tiếp tham gia hòa giải. Nhận thấy cán bộ nhận thức tuy có lệch lạc nhưng cách nói nhã nhặn, hòa nhã nên tôi không phản ứng gì.

Cá biệt có trường hợp khi làm việc xong, cán bộ giải quyết thu giữ bản chính giấy ủy quyền của chúng tôi mà không có biên nhận gì. Sau đó LS liên hệ làm việc lại nhưng hồ sơ trên cán bộ cũ đã giao cho người khác. Do bất ngờ, chúng tôi không chứng minh được ủy quyền nên buộc lòng ra về và gọi khách hàng đến trực tiếp cơ quan giải quyết. Lúc này cán bộ thụ lý vẫn không chấp nhận, lý do thân chủ tôi đã ký ủy quyền cho người khác rồi thì phải chính người được ủy quyền - đứng tên biên nhận trực tiếp nhận lại hồ sơ. Một lần nữa tôi và khách hàng phải cùng có mặt và còn làm giấy cam kết không tranh chấp khiếu nại về sau giữa người được ủy quyền và người ủy quyền mới được êm xuôi.

Thiếu quy định bảo vệ luật sư

Tôi thấy rằng Luật LS đã quy định: “…Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS…” nhưng thực tế lại không có quy định nào chế tài hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS. Do vậy LS cứ bị làm khó mãi. LS chỉ còn cách khéo léo đối nhân xử thế, còn việc đơn từ khiếu nại là biện pháp bất khả kháng sau cùng...

Nghiên cứu các nguyên nhân xảy ra vấn đề trên, tôi cho rằng không phải do người cán bộ, viên chức thiếu hiểu biết về những quy định của pháp luật mà do tính thượng tôn pháp luật chưa được đề cao. Người cán bộ cứ hành xử theo thói quen sách nhiễu, thành kiến người được ủy quyền là những thành phần gây rối, trục lợi mà không nhìn nhận thực chất đó là sự phân công lao động và nhu cầu phát triển xã hội ngày càng nhiều công việc thông qua hình thức ủy quyền. Để giải quyết vấn đề trên, quy chế tiếp công dân tại các cơ quan công quyền cần được phổ biến rộng rãi và thực hiện nghiêm chỉnh. Đồng thời, quy trình kiểm tra, giám sát của lãnh đạo và cơ quan chuyên trách cần phải được nâng cao, luôn giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại của công dân.

Luật sư cũng phải tạo lòng tin cho chính quyền

Tôi là một lãnh đạo phường, luôn thấu hiểu chức năng và quyền hạn của LS. Lúc nào chúng tôi cũng muốn hỗ trợ nhiệt tình để công việc đôi bên được trôi chảy, đúng theo quy định của pháp luật. Tôi không đồng ý với những hiện tượng làm khó LS lẫn người dân. Tôi rất quý và mong các LS khi bảo vệ cho một người dân nào đó thì cũng phải có cái tâm và phải bảo vệ cho lẽ phải.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại. thời gian qua phường cũng thường gặp một số LS, người mới tập sự hành nghề LS thiếu cái tâm, dùng danh nghĩa LS để làm khó lại phường. Có trường hợp phường cung cấp một số thông tin về người dân có liên quan đến vụ việc LS đang tham gia thì LS dùng nó đi làm khó những người dân khác. Do đó có thể trong một số trường hợp, phường phải thận trọng khi giải quyết công việc.

Chúng tôi có nguyên tắc là với những yêu cầu của LS mà phường không thể cung cấp được thì phường đều trả lời bằng văn bản để LS có thể liên hệ với các cơ quan chức năng khác. Những LS nào khi đến phường liên hệ mà ra vẻ hống hách, xem thường người khác, phường sẽ không chấp nhận, kiên quyết điều chỉnh lại thái độ này.

 (Lãnh đạo một phường ở quận 10, TP.HCM)

NGUYỄN HIỀNghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm