Một sáng cuối tháng 8-2014, luật sư (LS) Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn LS TP.HCM) gọi điện thoại cho PV Pháp Luật TP.HCM báo tin: “Sáng nay tòa Châu Thành (Long An) xét xử bị cáo Đặng Ngọc Thanh về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Tôi chỉ bảo vệ quyền lợi cho bị hại về mặt dân sự và đã thỏa thuận xong mức bồi thường. Nhưng vụ án này tôi thấy bị cáo có dấu hiệu bị oan!”.
Không dửng dưng khi thấy bị cáo bị oan
Nội dung vụ án được tóm gọn như sau: Anh Đặng Ngọc Thanh được ông Phạm Thanh Sang thuê làm thuyền trưởng sà lan. Ngày 30-4-2013, anh Thanh giao lại sà lan cho ông Sang để về nhà. Ông Sang sau đó đã giao sà lan cho Võ Văn Quốc (không có bằng lái) điều khiển khiến sà lan tông vào một chiếc ghe làm ba mẹ con trên ghe tử vong. Thế nhưng ông Sang không bị xem xét trách nhiệm, trong khi anh Thanh thì bị khởi tố tội danh nói trên (cùng với Quốc bị khởi tố tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy).
LS Lộc kể lúc đầu phía bị hại rất bức xúc, họ cho rằng có tới ba người phạm tội nhưng sao người chủ sà lan lại không bị sao cả. “Khi coi hồ sơ tôi mới té ngửa, lẽ ra trong trường hợp này VKS phải truy tố ông Sang - chủ sà lan mới đúng, còn Thanh mới là người vô tội. Tôi phân tích, thuyết phục mãi cuối cùng phía bị hại mới nhìn nhận lại sự việc. Họ bảo con, cháu họ đã mất rồi, họ cũng không muốn làm oan cho ai, LS có giúp được người ta thì ráng giúp giùm” - LS Lộc nhớ lại.
Thực ra khi đó LS Lộc chưa từng quen biết gì với bị cáo. Cái khó trong vụ này là LS Lộc đã bảo vệ cho bị hại nên chỉ có thể làm sáng tỏ vụ án chứ không thể bào chữa giúp bị cáo Thanh được.
Một điều lạ là trước đó các cơ quan tố tụng đã từng họp liên ngành, chánh án TAND huyện Châu Thành (Long An) từng nêu quan điểm: “Thời điểm Thanh rời sà lan không bàn giao nhiệm vụ thuyền trưởng cho Sang. Nhưng Sang là chủ phương tiện có mặt trên sà lan nên mặc nhiên chủ phương tiện phải có trách nhiệm quản lý hành trình, yêu cầu dừng phương tiện khi không có thuyền trưởng. Thế nhưng Sang vẫn để cho Quốc (không có giấy phép) điều khiển nên hành vi của Sang cấu thành tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.
Tuy nhiên, ý kiến này không được cơ quan điều tra và VKS đồng tình. Sau đó, TAND huyện Châu Thành trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Thế nhưng VKS vẫn cương quyết bảo lưu quan điểm ông Sang không phạm tội còn Thành thì có tội. Sau đó, TAND huyện Châu Thành tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc, người giúp anh Đặng Ngọc Thanh được minh oan dù anh Thanh và gia đình không hề nhờ vả, yêu cầu. Ảnh: NGÂN NGA
Góp phần minh oan cho bị cáo
“Phiên tòa hôm ấy có hai đứa trẻ nheo nhóc theo mẹ (tức vợ của bị cáo Thanh) cứ thấp thỏm ngoài phòng xử án. Thỉnh thoảng nước mắt lại lăn dài trên gò má của người mẹ. Tôi thấy xót xa vô cùng. Tôi cố gắng chứng minh việc điều tra này là không chính xác, phải truy tố đúng người, đúng tội thì hương linh người mất mới an lòng” - LS Lộc kể.
Tại tòa, LS Lộc yêu cầu triệu tập nhân chứng: “Tại phiên tòa trước, Quốc khai có nhân chứng Vũ (người lái đò đã đưa Thanh rời khỏi sà lan). Nhưng sau đó cơ quan điều tra lại không lấy lời khai người này mà lại đi lấy lời khai của hai phạm nhân giam chung phòng với bị cáo Thanh để kết tội bị cáo Thanh trong khi hai phạm nhân này không liên quan gì đến vụ án cả. Ngoài ra, khi Thanh giao lại sà lan cho ông Sang để về nhà là trách nhiệm của anh đã hết. Ông Sang đã điều Quốc đi chuyến hàng thứ hai mới để xảy ra tai nạn. Vậy ông Sang phải chịu trách nhiệm”.
Ấy thế nhưng cuối cùng TAND huyện Châu Thành vẫn tuyên phạt Thanh bảy năm tù. Ngoài ra, tòa này cũng yêu cầu VKS phải khởi tố thêm ông Sang về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Long An hủy án để điều tra, xét xử lại. Sau đó, cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành ra quyết định đình chỉ điều tra đối với anh Thanh do hành vi không cấu thành tội phạm. Đồng thời tiếp thu ý kiến của LS Lộc và kiến nghị ban đầu của TAND huyện Châu Thành, cơ quan tố tụng đã khởi tố ông Sang về tội danh mà Thanh từng bị khởi tố.
Vợ chồng anh Thanh lặn lội từ Bến Tre lên Sài Gòn nhờ LS Lộc làm giúp hồ sơ yêu cầu TAND huyện Châu Thành xin lỗi và bồi thường oan hơn 300 triệu đồng. Vụ việc hiện vẫn chưa có kết quả vì TAND huyện Châu Thành lấy lý do vụ án chưa kết thúc nên chưa thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan của Thanh.
“Nếu không có báo Pháp Luật TP.HCM và LS Nguyễn Tuấn Lộc giúp đỡ thì vợ chồng tôi chẳng biết phải làm sao cả. Hiện tôi vẫn tiếp tục nhờ LS Lộc giúp đỡ làm thủ tục để buộc TAND huyện Châu Thành (Long An) xin lỗi, bồi thường oan cho tôi” - anh Thanh tâm sự.