Ngày 24-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ tám. Các luật sư (LS) và đại diện VKS tiếp tục phần tranh luận, đối đáp căng thẳng về vai trò, trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức.
Xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra
LS Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc) đề nghị xử lý hình sự đối với Công ty Dược phẩm Thiên Sơn (ông Đỗ Anh Tuấn) và ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV). “Nếu không mời được ông Dương về nước, sự việc sẽ bế tắc, có thể dẫn đến oan sai” - LS Hải nhấn mạnh. LS này yêu cầu HĐXX xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra và VKS trong việc không kịp thời cấm xuất cảnh đối với ông Dương.
Theo LS, Bộ Y tế không có quy định nào ghi chất bị cáo Quốc dùng để sục rửa các vỏ màng lọc thuộc danh mục cấm, thuốc này chỉ không nằm trong danh mục. Vì vậy, việc quy kết cho bị cáo Quốc sử dụng chất cấm là sai. VKS chưa xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Quốc như có con nhỏ, ăn năn hối cải. Từ đó, LS đề nghị HĐXX xem xét giảm khung hình phạt cho bị cáo 3-4 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Đáp lại, đại diện VKS khẳng định nội dung sử dụng chất tẩy, rửa cấm sử dụng dựa vào công văn trả lời của Bộ Y tế. Việc cấm xuất cảnh đối với ông Dương, đại diện VKS cho rằng không đủ căn cứ. LS đáp lại, cho rằng với vụ việc nghiêm trọng thì ông Dương phải có mặt ở phiên tòa. Người liên quan trong vụ án cũng có thể bị lệnh tạm hoãn xuất nhập cảnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử…
Bị cáo Hoàng Công Lương (phải) tại tòa. Ảnh: VL
Liên quan đến hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và BV tỉnh, LS Nguyễn Danh Huế (đại diện cho BV) khẳng định nguyên nhân khiến chín bệnh nhân tử vong là do việc chuyển nhượng hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh.
Cụ thể, sau khi Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng với BV tỉnh giá 100 triệu đồng, ngay lập tức đơn vị này đã có hợp đồng nhượng quyền cho công ty khác với số tiền 50 triệu đồng. “Họ hưởng ngay 50 triệu nhưng khi xảy ra vụ việc, không ai chịu trách nhiệm…” - vị LS gay gắt và nói đơn vị này thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát theo hợp đồng đã ký với BV.
Lập tức, LS Nguyễn Thị Đinh Hương (bảo vệ quyền lợi cho Công ty Thiên Sơn) phản bác: “Đây là tài sản của BV nên đơn vị phải kiểm tra, giám sát. Thiên Sơn không có trách nhiệm về việc này”…
Luật sư của BS Lương cung cấp bằng chứng mới
HĐXX công bố video do LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho BS Lương) cung cấp. Theo đó, đoạn video ghi lại việc ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BV) trao đổi qua điện thoại với bà Bùi Thị Phương Thúy (Phó Trưởng phòng Tài chính BV). Trong đó, bà Thúy thừa nhận hợp đồng giữa BV và Công ty Thiên Sơn đã được thanh lý. Toàn bộ tài liệu liên quan đến hợp đồng, bao gồm cả biên bản thanh lý hợp đồng đã được nộp cho cơ quan điều tra.
Thế nhưng tại tòa, bà Thúy chỉ khẳng định có trao đổi với ông Khiếu nội dung nhưng không cụ thể đó là hợp đồng nào: “Tôi chuyển cho cơ quan điều tra rất nhiều hợp đồng nên khi anh Khiếu hỏi tôi bảo đã thanh lý nhưng đó không phải là hợp đồng 315 liên quan đến công tác thay thế vật tư, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2”. Riêng bà Vũ Thị Thục (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán BV) khẳng định trước lúc bà nghỉ hưu thì hợp đồng này chưa được thanh lý.
Liên quan đến hợp đồng 315, ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế BV), lần đầu tiên xuất hiện tại phiên tòa sau nhiều lần cáo bệnh, cũng phủ nhận rằng mình có liên quan đến quá trình đàm phán hợp đồng và bàn giao cho bị cáo Sơn phụ trách.
LS Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho BS Lương) hỏi ông Thắng về trách nhiệm là người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát vật tư và khi được bị cáo Sơn thông báo đã sửa chữa xong thì ông có kiểm tra lại không. Đáp lại, ông Thắng khẳng định không, vì kiểm tra ông cũng không biết được, phải có cơ quan chuyên môn. “Về nguyên tắc thì bên sửa chữa phải đảm bảo chất lượng, an toàn để vận hành” - ông Thắng nói.
Trách nhiệm của điều dưỡng ở đâu? LS Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) khẳng định bản truy tố của VKS chưa xem xét trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng mua bán thiết bị chạy thận. Đặc biệt, theo quy định của Bộ Y tế, vai trò của điều dưỡng viên rất quan trọng trong việc báo cáo tình hình để bác sĩ ra y lệnh. Tuy nhiên, trong bản truy tố và quá trình điều tra không xem xét trách nhiệm của điều dưỡng là chưa phù hợp. Vị LS cũng nhấn mạnh đến việc lãnh đạo giao nhiệm vụ cho bị cáo Sơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ. Vì bằng cấp của bị cáo này không liên quan đến lĩnh vực được giao trong khi người có chức năng, nhiệm vụ thì không được giao. Đáp lại, đại diện VKS khẳng định bị cáo Sơn từng đảm nhận nhiệm vụ này trong nhiều năm nên phải hiểu quy trình, việc không thực hiện lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn AAMI là sai. “Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Sơn. Liên quan đến trách nhiệm điều dưỡng và phân công nhiệm vụ, VKS cho rằng đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét, nghiên cứu…” - vị đại diện VKS nêu. |