Ngày 13-1, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tiếp tục với phần tranh luận. Các luật sư (LS) bảo vệ quyền lợi cho cha con ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích phản biện lại những quan điểm của công tố viên về thân chủ họ.
“Kiến nghị cấm xuất cảnh không có cơ sở”
LS cho rằng không có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy ông Phạm Công Danh bỏ tiền vào VNCB. Trước khi mua ngân hàng, Danh có nhiều khoản nợ, nhiều khoản tiền rút ra từ VNCB để dùng trả nợ. Sau khi mua VNCB thì Danh tiếp tục rút tiền của ngân hàng này… Và do không được biết VNCB khó khăn, yếu kém và chỉ biết có lãi suất cạnh tranh nên khách mới gửi tiền vào ngân hàng.
Cạnh đó, các giao dịch giữa bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quý Thanh không nằm trong vụ án này mà đó là giao dịch dân sự có chứng từ hợp pháp. Những lời khai lãi ngoài hợp đồng và số tiền vay lên đến hàng ngàn tỉ đồng là không có cơ sở. LS cũng không đồng ý việc khi nhận tiền gửi thì không truy nguồn gốc tiền nhưng khi bị lấy tiền thì truy nguồn gốc tiền và cho rằng đó là tiền của ông Thanh.
Về khoản tiền 5.190 tỉ đồng, bà Bích không đồng thuận, không biết bị rút khoản này trong tài khoản. Tất cả khoản vay thực hiện đúng quy định của ngân hàng, của pháp luật.
“Cách đặt vấn đề của VKS là đang lắp ghép hành vi của các cá nhân mà các hành vi này nếu sai cũng chỉ là quan hệ dân sự. Nhận định này là dựa vào lời khai của một số bị cáo. Sự lắp ghép này tạo nên sự phi lý là ông Thanh, bà Bích đồng thuận để Danh rút tiền của chính mình” - LS phản biện.
Bà Trần Ngọc Bích: “Tôi không bao giờ trốn chạy, tôi phải ở đây để bảo vệ quyền lợi của mình”. Ảnh: HOàNG YẾN
VKS cho rằng giao dịch số tiền 5.190 tỉ đồng là giao dịch “vay giả tạo”. LS tranh luận nếu giao dịch giả tạo thì là vô hiệu và bản thân khách hàng không lý do gì lại làm giao dịch giả tạo để rồi phải chịu trách nhiệm như án sơ thẩm quy kết về số tiền trên. Theo LS, chính VNCB công nhận việc gửi tiền là đúng quy định pháp luật; ngân hàng không phủ nhận gửi và vay thì lấy gì để nói là giả tạo.
Đối với kiến nghị của VKS về việc cấm xuất cảnh ông Thanh và bà Bích, LS cho rằng kiến nghị này là không có cơ sở vì vụ việc chưa rõ ràng, họ chưa phải là bị can, bị cáo. LS đề nghị tòa không chấp nhận các kiến nghị này cũng như việc truy thu thuế và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Thanh, bà Bích…
“Ông Thanh, bà Bích không phải là đồng phạm”
Đi sâu về việc VKS đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Thanh, bà Bích, LS phân tích: Về mặt lý luận, hành vi cấu thành tội cố ý làm trái phải đủ ba yếu tố: Lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể phạm tội là người có chức vụ quyền hạn.
Đồng thời, yếu tố đồng phạm phải có cùng ý chí, mục đích chung. Vì vậy, hành vi của ông Thanh, bà Bích không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái, không phải là đồng phạm với ông Danh. LS nhấn mạnh: “Ông Thanh, bà Bích không có quyền chi phối hoạt động của ngân hàng”.
Cạnh đó, LS cũng cho rằng quan điểm của VKS về “sử dụng tiền vay không đúng mục đích” không có nghĩa là đồng phạm giúp sức.
LS cũng dẫn ra những lá thư đầy tình cảm giữa ông Danh và “nhân vật bí ẩn Phạm Thị Trang” (Trang “phố núi”, hiện không có ở Việt Nam) để làm rõ các quan hệ. Trang “phố núi” nói rằng chỉ giới thiệu Danh cho ông Thanh là có ý đổ lỗi cho người khác vì muốn phủi trách nhiệm vì đã bị khởi tố vụ án. Trong khi một số nội dung trong bức thư đề cập đến việc ông Thanh chỉ giao dịch với Phạm Thị Trang. Từ đây LS đặt nghi vấn lời trình bày của Trang “phố núi” có đúng sự thật…
Hôm nay (14-1) tòa tạm nghỉ; thứ Hai (16-1) phiên xử tiếp tục với phần tranh luận.
Bà Trần Ngọc Bích: “Tôi không trốn chạy” Tại phiên tòa hôm qua (13-1), bà Trần Ngọc Bích khẳng định chỉ có một sự thật là bà và cha bà (ông Trần Quý Thanh) gửi tiền hợp pháp tại VNCB. Bà không bao giờ đồng phạm giúp sức Danh. Cạnh đó, bà cho biết dù mình bị thiệt hại từ kiến nghị của VKS nhưng bà quyết tâm hợp tác đến cùng với cơ quan pháp luật nếu có yêu cầu để chứng minh sự trong sạch của bà. Về đề nghị cấm bà xuất cảnh của VKS, bà Bích nói: “Tôi sẽ không bao giờ trốn chạy, vì tôi phải ở đây để bảo vệ quyền lợi của mình”. |