Ngày 9-10, VKSND TP Hà Nội đã công bố bản luận tội đối với cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga. Bà Nga bị đề nghị mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt 350 tỉ đồng. Theo VKS, có đủ căn cứ kết luận bà Nga và chín đồng phạm đã phạm tội như cáo trạng truy tố. Trong đó, bị cáo Nga là người chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo chiếm đoạt 350 tỉ đồng và hưởng lợi toàn bộ số tiền nói trên nên cần có hình phạt nghiêm khắc.
Luật sư tiếc vì không được hỏi việc “chạy” ĐBQH
Theo VKS, bà Nga và chín đồng phạm thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần với số tiền đặc biệt lớn. Tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đã sử dụng tiền vào các mục đích trái pháp luật như “chạy” dự án, mua ô tô... gây bức xúc trong dư luận xã hội. VKS cũng ghi nhận đồng phạm của bà Nga là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi.
Luật sư (LS) bào chữa cho bà Nga dẫn lại nội dung cáo trạng nêu việc bị cáo sử dụng hơn 157 tỉ đồng (trong số tiền chiếm đoạt gần 350 tỉ đồng) không có hóa đơn, chứng từ. Do thời gian điều tra hết, cơ quan điều tra đã tách ra điều tra ở giai đoạn 2. Từ đó LS cho rằng cáo trạng vẫn quy kết bà Nga chiếm đoạt 350 tỉ đồng là không khách quan và mâu thuẫn.
“Nếu chưa có quyết định tách vụ án, chúng tôi được phép đánh giá. Khoản tiền 1,5 triệu USD bà Nga khai là “chạy” ĐBQH, chúng tôi lấy làm tiếc và không thể làm rõ được” - vị LS nói. LS nhấn mạnh việc bà Nga trở thành ĐBQH không thể do một người hay thế lực nào có thể điều khiển được. “Chúng ta phải tôn trọng hàng triệu lá phiếu của cử tri. Lời khai và cáo buộc là hoàn toàn không đúng”.
Các bị cáo đang nghe VKS đề nghị mức án. Ảnh: M.Đ
Theo LS, khoản tiền 18 tỉ đồng trả lương cho cán bộ, nhân viên, 779 triệu đồng chi thưởng Tết, tiền đóng bảo hiểm xã hội, mua ô tô, quảng cáo hay khoản chi 25 tỉ đồng cho các dự án khác là những khoản chi hợp pháp. Vì thế bà Nga chỉ phải chịu trách nhiệm với gần 30 tỉ đồng. “Bà Nga có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội danh khác, cá nhân tôi mạn phép cho rằng là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - LS nhận định. Từ đó LS đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ tất cả vấn đề.
Tự bào chữa cho mình, cựu ĐBQH khẳng định: “Bị cáo thấy oan ức, bị cáo không lừa đảo, không chiếm đoạt tài sản của mọi người. Bị cáo chỉ mong được triển khai dự án”.
Bị hại lên tiếng
LS của bị cáo Nguyễn Thị Tình (cựu giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Housing Group) cho rằng bị hại nhiều người có trình độ rất cao, là giảng viên, điều tra viên cao cấp, giáo sư. Vì thế không thể nói là họ không biết tình trạng pháp lý của dự án. Dẫn ra 10 chức danh quan trọng bà Nga nắm giữ tại thời điểm đó, LS cho rằng các bị hại đã quá tin vào nhân thân của bà Nga hơn là tình trạng pháp lý của dự án.
Vị LS này cho rằng không thể nói là không có lỗi của người bị hại khi họ biết tình trạng pháp lý của các dự án mà vẫn ký hợp đồng. Từ đó đề nghị HĐXX cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ là người bị hại cũng có lỗi.
LS vừa ngắt lời thì một người bị hại là bà Vũ Thị Phương Nga (giảng viên luật) xin tòa có ý kiến phản đối ý của LS. Theo bà Phương Nga, khi ký hợp đồng, bà và các bị hại đã tìm hiểu thông tin từ bạn bè, người thân, trên Internet và lên tận nơi xem từng sơ đồ thiết kế căn hộ, xuống thực địa xem dự án. “Vị ĐBQH ngồi đây là người đại diện cho nhân dân, chúng tôi có cớ gì không tin tưởng? Chúng tôi tin rằng dự án được triển khai, còn nó thật giả thế nào không thể biết được. Chúng tôi không có lỗi gì”.
Theo người bị hại này, thỏa thuận vay vốn ký với Housing Group không phải là lách luật. Vì thời điểm ký hợp đồng, Housing Group chưa được phép bán nhà vì chưa xây xong móng. “Lúc đó, chúng tôi ký thỏa thuận vay vốn vi phạm điều nào, khoản nào? Nếu không vi phạm thì vì sao lại bảo chúng tôi lách. Luật có cấm đâu mà chúng tôi phải lách”. Từ đó bà kết luận: “Mong HĐXX ghi nhận để bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi. Chúng tôi là người bị hại, không có lỗi gì cả. Chỉ vì việc chi tiêu bất hợp pháp của bị cáo Nga mà chúng tôi chịu cảnh hôm nay”.
Liên quan đến khoản chi 157 tỉ đồng không có hóa đơn, chứng từ, cáo trạng thể hiện bị cáo Nga khai chi 12 tỉ đồng cho cựu phó tổng giám đốc Lê Hồng Cương để chi phí giải quyết thủ tục đầu tư dự án được thuận lợi. LS của ông Cương cho rằng cáo buộc mâu thuẫn vì nếu số tiền 157 tỉ đồng đã tách ra ở giai đoạn 2 của vụ án thì vì sao lại đưa vào quy trách nhiệm cho bị cáo ở phiên tòa này?
Bị cáo Cương nói: “CQĐT đã đối chất, xác minh và không kết luận được việc đó. Khi đối chất bị cáo Nga chỉ nói “tôi không biết”, “không nhớ” và khẳng định là không có việc đó. Chắc chắn có người nói không có lửa làm sao có khói. Điều này oan cho tôi, ảnh hưởng tới danh dự cá nhân tôi và gia đình tôi. Tôi mong muốn việc đó được làm sáng tỏ và sẵn sàng hợp tác”.
Hôm nay (10-10), tòa tiếp tục phần tranh luận.
Các mức án VKS đề nghị - Cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Housing Group Châu Thị Thu Nga: Tù chung thân. - Bốn cựu phó tổng giám đốc Housing Group: Nguyễn Trường Sơn và Lê Hồng Cương từ bảy đến tám năm tù; Nguyễn Vũ Hùng từ 36 đến 42 tháng tù; Phan Thanh Tuyên từ 30 đến 36 tháng tù. - Các cựu giám đốc sàn giao dịch bất động sản của Housing Group: Nguyễn Thị Tình từ tám đến chín năm tù; Lưu Thị Thúy từ bốn đến năm năm tù. - Các bị cáo là kế toán trưởng, quyền kế toán trưởng: Phạm Thị Thu Hạnh từ bốn đến năm năm tù; Đinh Phúc Tiếu từ 36 đến 42 tháng tù; Đoàn Thanh Thủy từ ba đến bốn năm tù. |