Sáng 17-7, phiên tòa xét xử vụ kiện yêu cầu bồi thường oan sai của mẹ con cụ Đặng Thị Nga (81 tuổi, trú tại tỉnh Điện Biên), những người mang nỗi oan giết chồng và giết cha suốt 28 năm, chính thức làm việc.
Chủ tọa đọc quyết định hoãn phiên tòa. Ảnh: TP
Tại phần thủ tục, luật sư đại diện theo ủy quyền của mẹ con cụ Nga đề nghị HĐXX bổ sung thêm người tham gia xét xử, với hai tư cách tố tụng.
Thứ nhất, luật sư đề nghị đưa ba người con còn lại (cụ Nga có năm người con, trong đó hai người trực tiếp bị bắt giam oan – PV) tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thứ hai, ngoài tư cách người đại diện theo ủy quyền, luật sư đề nghị tòa bổ sung thêm tư cách của mình với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích cho mẹ con cụ Nga.
Tương tự, ông Trịnh Huy Dương (con trai cụ Nga, người trực tiếp bị oan) cũng yêu cầu tòa bổ sung ba người em của mình tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo ông, thời điểm vụ án xảy ra, các em của ông đều bị triệu tập lấy lời khai, chịu tổn thất nặng nề từ việc mẹ và các anh bị bắt oan.
Đáng chú ý, luật sư đặt vấn đề chủ tọa Hoàng Thị Hòa cũng chính là thẩm phán từng được phân công giải quyết khiếu nại của gia đình cụ Nga đối với quyết định bồi thường oan của TAND tỉnh Điện Biên. Như vậy, nếu bà Hòa tiếp tục ngồi ghế chủ tọa để xét xử vụ kiện thì liệu có đảm bảo khách quan?
Do vậy, luật sư đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa nhằm đảm bảo tính khách quan, đúng quy định pháp luật.
Ông Trịnh Huy Dương cùng luật sư tại tòa. Ảnh: TP
Ngay sau đó, thẩm phán Hoàng Thị Hòa giải thích từng yêu cầu nêu trên của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền.
Về việc bổ sung ba người em của ông Dương tham gia vụ án, quá trình giải quyết bồi thường, tòa nhận thấy những người này không liên quan. Hơn thế, phía nguyên đơn chỉ có yêu cầu bồi thường tổn thất cho ba người, chứ không có văn bản nào yêu cầu họ tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Về việc bổ sung tư cách của luật sư, tòa cũng chỉ nhận được các giấy tờ chứng minh cho việc luật sư nhận ủy quyền của mẹ con cụ Nga, chứ không nhận được văn bản nào cho thấy gia đình yêu cầu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Tuy nhiên tại tòa, cả luật sư và nguyên đơn đều đồng ý về việc cần có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các giấy tờ của luật sư cũng đã đầy đủ, nên HĐXX nhận thấy luật sư có đủ tư cách tham gia vụ án với vai trò này.
Đối với yêu cầu thay đổi chủ tọa, thẩm phán Hòa cho hay mình được Chánh án TAND tỉnh Điện Biên phân công giải quyết khiếu nại của gia đình cụ Nga. Nhưng khi mở phiên họp để xem xét giải quyết khiếu nại, cụ Nga và ông Dương đã đề nghị rút đơn để chuyển sang khởi kiện cho đúng thời hiệu. Vì thế, bà Hòa đã ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Được hỏi ý kiến, cả đại diện VKS và bị đơn (đại diện TAND tỉnh Điện Biên) cũng đều không đồng ý với yêu cầu của luật sư.
Dù giải thích như trên, nhưng sau ít phút hội ý, HĐXX lại có quyết định khá bất ngờ là hoãn phiên tòa. Theo HĐXX, các đề nghị của luật sư cũng như nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.
“Sau khi hoãn, Chánh án sẽ có quyết định thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Thời gian mở lại phiên xử thông báo sau” – chủ tọa cho biết.