Sáng 21-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm nhất liên quan đến trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Có việc lãnh đạo bộ gây sức ép với đại biểu
Liên quan đến vấn đề sửa luật, Chính phủ đề xuất hai phương án. Theo đó, phương án một, sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án còn lại cơ bản như quy định hiện hành là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận xét phương án “đổi vai” (phương án một) không phải là một đề xuất mới, trước đây Chính phủ đã từng đề xuất và không được QH chấp nhận. Nữ ĐB Đồng Tháp cho rằng không nên đặt ra phương án này, thay vào đó cần bổ sung quy định để bảo đảm quy trình phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan trình luật, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng bên.
Về lâu dài, bà Hoa đề xuất thành lập một cơ quan xây dựng pháp luật gồm các chuyên gia giỏi về các lĩnh vực, giúp cho QH có thể thiết kế, hoàn thiện các dự thảo luật, bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác lập pháp.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói từ quan sát thực tiễn, ông khẳng định tới 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu, khi đó ĐBQH sẽ trở thành “người đi chợ” để trả giá.
“Một điều đáng buồn nữa là có vị lãnh đạo bộ gây sức ép với ĐB khi ĐB đó phát biểu trái với quan điểm của bộ, ngành mình. Nếu bây giờ QH chọn phương án một thì QH đã bị mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật” - ông Bộ băn khoăn.
Vị ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh này cũng chỉ ra hai nguyên nhân mà theo ông khiến luật ban hành “bất cập, yếu kém”. Thứ nhất là yếu tố con người, gồm cả cán bộ của cơ quan soạn thảo và ĐBQH. Thứ hai, theo ông, một số ủy ban (cơ quan thẩm tra) không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu là kiên quyết trả lại luật khi không đảm bảo chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ: Có bộ, ngành tác động đại biểu khi phát biểu trái quan điểm với bộ, ngành mình. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai: Người dân trăn trở về tính cục bộ của các văn bản quy phạm pháp luật.
“ĐB phát hiện nhiều luật có chất lượng không bảo đảm nhưng khi chúng tôi đề nghị thì gần như không được sự ủng hộ” - ông Bộ cho hay.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang Phan Thị Mỹ Dung cũng lo ngại việc cơ quan quản lý nhà nước đã soạn thảo, trình dự án luật, nếu giao thêm thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý (và sau này đồng thời là người tổ chức thực hiện) sẽ rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phản ánh nhiều doanh nghiệp, người dân trăn trở về tính cục bộ của các văn bản quy phạm pháp luật. Theo bà, để khắc phục tình trạng này rất cần một cơ quan độc lập về lợi ích, một cơ quan dân cử để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, để đưa ra những văn bản mang tính khách quan nhất.
Văn bản không chất lượng: Ai chịu trách nhiệm?
Một thực tế cũng được các ĐB nêu tại phiên thảo luận là việc nhiều luật vừa ban hành xong đã phải sửa đổi, bổ sung. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm trong trường hợp này để báo cáo với cử tri. “Mỗi người sẽ phải nâng cao trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, chứ không phải vui mừng thì mọi người đều nhận nhưng khó khăn, vướng mắc, hạn chế thì không có ai chịu trách nhiệm và tốn kém cho Nhà nước” - bà Khánh nói.
Đồng tình, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị cần có quy định về xử lý các sai phạm, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông, vấn đề này hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “rất mờ nhạt”, “chưa rõ ràng”.
Ông Nhưỡng dẫn lại quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng… “Không biết là chịu trách nhiệm như thế nào?” - ông Nhưỡng băn khoăn khi Luật Cán bộ, công chức không có quy định liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng không có nghị định nào nêu xử lý ĐBQH hay xử lý cơ quan của QH ban hành văn bản trái pháp luật...
Liên quan đến việc biểu quyết của ĐB, phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng thiểu số chưa chắc đã sai, đồng thời đề nghị cần tôn trọng kết quả biểu quyết, coi đây là căn cứ để xem xét về mặt trách nhiệm.
“Tôi đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm trong luật, thể hiện rõ các hình thức pháp lý để xử lý. Còn nếu chúng ta quy định như thế này, cuối cùng không thể xử lý ai được” - ông nói. Ông cũng cho rằng đây là giải pháp đảm bảo quá trình xây dựng pháp luật có chất lượng, thực sự vì quyền lợi chung của đất nước, cũng tránh được tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, lợi ích của địa phương trong quá trình xây dựng luật. “Luật phải là luật chung, chứ không phải là luật riêng” - ĐB Bến Tre nói thêm.
Chưa thông qua Luật sửa đổi Luật Tổ chức QH Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản gửi đến các ĐBQH thông báo điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 8. Cụ thể, chương trình sẽ không còn nội dung biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH tại phiên họp chiều 22-11. Dự án luật này được trình QH với dự kiến thông qua theo quy trình một kỳ họp. Tuy nhiên, qua thảo luận tại tổ và tại hội trường, nhiều ĐBQH đề nghị trình QH thông qua dự án luật này tại kỳ họp sau (tháng 5-2020) theo trình tự xem xét, thông qua tại hai kỳ họp để có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết. Đa số các ý kiến cho rằng dự thảo luật chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện luật thời gian qua. Nội dung sửa đổi, bổ sung chưa tạo được cơ sở pháp lý để kết nối, gắn bó chặt chẽ về mặt tổ chức và các điều kiện, yếu tố đảm bảo cho QH hoạt động có hiệu quả. Nhiều ĐB cũng đề nghị nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật, cụ thể tập trung làm rõ mô hình, cơ cấu tổ chức của QH, các cơ quan của QH, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ QH, địa vị pháp lý của ĐBQH và đoàn ĐBQH để bảo đảm đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả… |