Năm 1988, sau khi ông Phạm Viết Hương qua đời, ông Phạm Thừa Tự (ngụ thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định) là cháu đích tôn nên thay mặt dòng họ tiếp tục quản lý đìa Xã Trà. Sau đó một người phụ nữ trong dòng họ là bà C. có tranh chấp quyền sở hữu đất. Lúc này UBND tỉnh Nghĩa Bình (tên cũ của tỉnh Bình Định) giải quyết tranh chấp theo hướng giao đìa Xã Trà cho ông Tự quản lý, khai thác.
Tỉnh chỉ đạo huyện cấp giấy đỏ
Tuy nhiên, sau đó bà C. lại tranh chấp về quyền quản lý khai thác đìa Xã Trà. Theo bà C., bà có quyền thừa kế nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao cho bà quản lý, khai thác phần đất này.
Ngày 26-1-2015, chủ tịch UBND huyện Phù Cát có quyết định (QĐ) giải quyết đơn khiếu nại của bà C. theo hướng bác, xác định đất này là của tộc họ Phạm. Sau khi ông Hương qua đời thì ông Tự đại diện họ quản lý, sử dụng, khai thác đìa theo quy định. Bà C. khiếu nại tiếp đến UBND tỉnh. Tháng 6-2015, chủ tịch UBND tỉnh bác đơn của bà, công nhận QĐ giải quyết khiếu nại của UBND huyện.
Sau đó tộc họ Phạm đã có văn bản (được UBND xã xác nhận) cử ông Tự là người đại diện họ lập thủ tục kê khai và đứng tên trên giấy đỏ với phần đất này.
Cuối năm 2015, UBND tỉnh có văn bản gửi UBND huyện truyền đạt ý kiến chủ tịch UBND tỉnh với nội dung: “Tiếp tục thực hiện việc giao đìa nuôi tôm tụ Xã Trà cho cộng đồng tộc họ Phạm ở thôn Đức Phổ 1 sử dụng theo quy định về đất cộng đồng dân cư. Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn cộng đồng tộc họ Phạm thống nhất người đại diện quản lý canh tác và lập thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Ông Phạm Thừa Tự bên đìa Xã Trà của tộc họ Phạm. Ảnh: ĐH
Tuy nhiên, Phòng TN&MT huyện Phù Cát lúng túng nên tháng 5-2017, cơ quan này có công văn đề nghị Sở TN&MT tỉnh hướng dẫn. Sở này cũng lúng túng nên lại gửi văn bản tham khảo ý kiến của Sở Tư pháp tỉnh.
Tháng 10-2017, Sở TN&MT tỉnh có công văn hồi đáp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vụ việc. Công văn này nêu quan điểm của Sở Tư pháp tỉnh cho rằng theo quy định tại Luật Đất đai 2013 và BLDS 2015 thì cộng đồng họ Phạm có đủ điều kiện cấp giấy đỏ. Nhưng trường hợp này do có sự tranh chấp quyền quản lý sử dụng đất giữa các thành viên cộng đồng nên không có sự thống nhất trong việc quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí quy định tại BLDS. Vì vậy ông Tự chỉ đủ điều kiện đại diện tộc họ Phạm quản lý, canh tác. Ông chỉ được lập thủ tục kê khai xin cấp giấy đỏ khi được các thành viên tộc họ Phạm nhất trí theo quy định pháp luật.
Cần phải khởi kiện ra tòa?
Theo Sở Tư pháp tỉnh, việc bà C. có tranh chấp về quyền sử dụng đất trước đây đã được UBND huyện và tỉnh giải quyết xong. Đến thời điểm này, các bên chỉ tranh chấp và không thống nhất về tư cách của người đại diện quản lý, sử dụng đất của tộc họ. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng họ Phạm, các bên có thể khởi kiện đến TAND huyện Phù Cát để yêu cầu giải quyết. Sau khi bản án có hiệu lực, UBND huyện sẽ căn cứ để cấp giấy đỏ cho cộng đồng tộc họ Phạm theo quy định…
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng BLDS 2015 không quy định trường hợp một người trong cộng đồng sử dụng đất không đồng ý việc các thành viên tộc họ cử ông Tự đại diện thì văn bản cử người đại diện này không có giá trị pháp lý. Vì vậy, cơ quan quản lý đất đai không thể căn cứ vào đây để làm căn cứ từ chối cấp giấy đỏ cho tộc họ. Thực tế thì nội dung tranh chấp của bà C. đã được UBND hai cấp giải quyết xong. Việc hướng dẫn cả tộc họ phải đi khởi kiện để thực hiện nguyên tắc nhất trí là không cần thiết. Bởi tranh chấp này không có quan hệ pháp luật nào để giải quyết, chưa kể sẽ kéo dài vụ việc không cần thiết.
Khi tộc họ Phạm đã có văn bản cử người đại diện là ông Tự quản lý, canh tác và lập thủ tục kê khai để cấp giấy đỏ thì UBND huyện có thẩm quyền cấp theo khoản 5 Điều 100 Luật Đất đai 2013. Nếu từ chối cấp giấy đỏ có thể là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Mặt khác, Sở TN&MT, Sở Tư pháp tỉnh là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND tỉnh trong quản lý đất đai. Văn bản hướng dẫn nêu trên không phải là văn bản pháp quy, không phải là quyết định hành chính cá biệt để điều chỉnh việc giải quyết cấp giấy đỏ cho tộc họ Phạm. Trong khi UBND tỉnh đã khẳng định đủ điều kiện để cấp giấy đỏ cho tộc họ Phạm và chỉ đạo cơ quan chuyên môn của UBND huyện cấp.
Các quy định liên quan Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của luật này và đất đó không có tranh chấp, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. (Khoản 5 Điều 100 Luật Đất đai 2013) Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia. (Điều 211 BLDS 2015) Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. (Điều 216 BLDS 2015) |