Lương mấy triệu bạc thì sống làm sao, thì ai làm nhà giáo?

(PLO)-  Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng lương giáo viên mấy triệu bạc làm sao đủ sống, phải dạy thêm, làm đủ thứ và đặt vấn đề tại sao Quốc hội không nghiên cứu bảng lương của ngành giáo dục.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018.

Bà Nguyễn Thị Doan- nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất cần xem lại vai trò của Nhà nước trong xã hội hóa sách giáo khoa (SGK), trong đó phải đảm bảo việc định hướng tuyên truyền cho cán bộ cũng như người dân nhận thức rõ về bản chất của xã hội hóa SGK, bảo đảm thông suốt từ nhận thức đến hành động.

Theo bà Doan, hiện nay đang thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai chương trình SGK, chưa chuẩn bị tâm lý, nguồn lực và cơ sở vật chất cho giáo viên, cán bộ quản lý cũng như người học về việc đổi mới SGK, dẫn đến tình trạng giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

“Về vấn đề chọn sách giáo khoa để giảng dạy, hiện nay đang quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và trao quyền cho tỉnh chọn bộ sách giáo khoa. Đây là vấn đề có nhiều ý kiến phản ánh của người dân”, bà Doan nêu thực tế và cho rằng, quy định như vậy dễ phát sinh khâu yếu trong quản lý, chỉ đạo chọn bộ SGK. Do vậy, cần có sự kiểm soát, giới hạn số lượng sách tham khảo cụ thể và cần thiết trong từng môn học để tránh tình trạng quá tải, đảm bảo chất lượng học tập tốt nhất cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Doan kiến nghị Bộ GDĐT cần có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động từ việc triển khai chương trình sách giáo khoa phổ thông 2018 đối với chất lượng giáo dục, đào tạo. Đồng thời cần nghiên cứu phương pháp giảng dạy, có chiến lược cụ thể nhằm trang bị kiến thức bài bản cho giáo viên, chống bệnh thành tích trong thi cử, giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng lương nhà giáo có mấy triệu bạc thì ai còn làm nhà giáo. Ảnh: MTTQ

Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng lương nhà giáo có mấy triệu bạc thì ai còn làm nhà giáo. Ảnh: MTTQ

“Cháu tôi làm giáo viên, khi có chủ trương chuẩn hóa giáo viên, nó đi học chứng chỉ nhưng một anh ở trường làm bài cho cả trường chép. Như thế nào thì giáo viên muôn đời không bao giờ đáp ứng được”, bà Doan kể.

Bà Doan không đồng tình với đánh giá SGK mới không làm cho học sinh, thầy giáo giảng dạy và học tập rập khuôn máy móc vì hiện vẫn có bài văn mẫu. Rồi áp lực thi cử quá nặng nề vì điều này liên quan đến bệnh thành tích, mà thành tích thì ảnh hưởng đến bình, bầu, thi đua…

Bà Doan cũng đề nghị thành lập hội đồng gồm những người uy tín đánh giá lại các bộ SGK nếu giống nhau đến hơn 90% rồi thì cần gì bộ sách của Bộ GD-ĐT nữa.

“Quốc hội phải đánh giá kỹ vấn đề này”, bà Doan nói.

Một vấn đề khác được bà Doan đề cập là lương của nhà giáo. “Nói thật lương thế này thì ai làm nhà giáo. Giáo viên áp lực quá, vừa một lúc tinh giản biên chế, vừa đánh giá lại năng lực, nâng cao năng lực, vừa chính sách tiền lương không phù hợp. Mấy triệu bạc làm sao đủ sống, phải dạy thêm, làm đủ thứ… Tại sao Quốc hội không nghiên cứu bảng lương của ngành giáo dục”, bà Doan đặt vấn đề.

Trích dẫn lời Hồ Chủ tịch, bà Doan cho rằng: ở đâu thiếu lương thì thiếu, chứ giáo dục không thể thiếu vì giáo dục là “trăm năm trồng người”.

“Cho nên phải có chính sách tiền lương, thông qua bảng lương riêng cho nhà giáo, cứ như thế này thì nhà giáo không đủ điều kiện để theo nghề đâu”, bà Doan nói.

Tại thầy hay tại SGK?

GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường của Mặt trận dẫn chuyện các kỳ họp Quốc hội Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bị chất vấn nhiều và lý giải: nguyên do có lẽ không phải tại SGK, không phải tại chương trình mà là thầy giáo.

“Thế hệ chúng tôi được học có 9 năm nhưng may mắn được học với các thày giỏi. Khi đó các thầy chưa có SGK nhưng các thầy uyên bác, hướng chúng tôi trở thành những người có năng lực. Vấn đề quyết định là giáo viên”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Theo GS Dũng, việc bồi dưỡng giáo viên trong 1-2 tháng hè (để làm quen với SGK mới-PV) không có tác dụng. Sách đúng chương trình phổ thông, phong phú là cách hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên.

GS Nguyễn Lân Dũng nói thế hệ của ông được học các thầy giỏi, có tâm huyết. Ảnh: MTTQ

GS Nguyễn Lân Dũng nói thế hệ của ông được học các thầy giỏi, có tâm huyết. Ảnh: MTTQ

GS.TS. Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật của Mặt trận cho rằng: “Chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội được thể hiện trong bộ SGK. Tuy nhiên để chuyển từ những những kiến thức trong bộ SGK thành thực tiễn cho học sinh còn bước rất xa. Vì vậy, phải tiếp tục có chuyển biến về chất để chuyển được mục đích chương trình SGK giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị phẩm chất năng lực của người học”.

GD Đường cũng cho rằng: phải xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi, có chất lượng vì nếu không thì những mục đích đặt ra cho bộ SGK rất khó làm được.

“Phải chấm dứt cho được tình trạng thiếu giáo viên. Đội ngũ giáo viên phải có tâm đức, nhất là giáo viên bậc mầm non”, ông Đường nêu ý kiến đồng thời kiến nghị, Quốc hội nên xem lại chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đảm bảo sự đồng bộ, tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm