Sau một thời gian cân nhắc do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều trường đại học (ĐH) khối ngành y khoa đã quyết định công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2020. Nhìn chung, các trường ĐH không thay đổi nhiều về phương thức tuyển sinh so với năm 2019. Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh, thí sinh bất ngờ là mức học phí mới nhất mà các trường công bố.
Theo đề án tuyển sinh dự kiến của ĐH Y dược TP.HCM, học phí năm 2020-2021 của nhà trường tăng rất cao ở tất cả các ngành. Trong đó mức học phí cao nhất là ngành Răng - hàm - mặt với 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành Y khoa với 68 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm.
Học phí các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệp y học, Kỹ thuật phục hồi y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 40 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có học phí từ 30-38 triệu đồng/năm.
Điều này khiến nhiều phụ huynh, thí sinh không khỏi bất ngờ vì học phí tăng trung bình gấp 2-4 lần mức cũ. Bởi năm 2019, mức học phí chỉ giao động từ 13-15 triệu đồng/năm/sinh viên. Đây là mức học phí áp dụng theo Nghị định 86 của Chính phủ ban hành năm 2015 và mức này sẽ được điều chỉnh tăng hàng năm theo quy định.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết mức học phí vừa công bố sẽ áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020. Còn những khóa tuyển sinh trước vẫn áp dụng theo mức cũ.
PGS.TS Khôi lý giải, những năm trước, sinh viên đóng trung bình khoảng 13-15 triệu đồng/năm chỉ đáp ứng được một phần kinh phí đào tạo. Còn lại, nhà nước phải rót kinh phí thêm. Tuy nhiên, từ năm 2020, nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ nên sẽ không được nhận kinh phí từ nhà nước, vì vây, nhà trường sẽ tính toán để đầu tư cho sinh viên học tốt hơn, trường hoạt động tốt hơn.
Ngành Răng-Hàm-Mặt phải đầu tư trang thiết bị lớn và hiện đai nên chi phí rất cao. Ảnh: HA
Theo PGS.TS Khôi, học phí năm nay tăng cao nhưng ở nhiều ngành mức này vẫn chưa đủ chi phí để hoạt động đào tạo thực sự.
“Ví dụ ngành Răng – Hàm – Mặt thu 70 triệu đồng/năm nhưng thực chất phải thu mức tối thiểu là hơn 100 triệu đồng/năm vì chi phí đào tạo ngành này cực kì tốn kém. Nhà trường phải đầu tư trang thiết bị lớn và hiện đại. Khi học và thực hành, mỗi em phải làm riêng một máy. Mỗi đầu khoan của máy trong nha khoa rất đắt tiền nhưng chỉ dùng một lần là bỏ chứ không tái chế hay sử dụng lại được. Nhưng trường cân nhắc và sẽ lấy kinh phí bù trừ giữa các ngành” – PGS.TS Khôi nói.
Được biết, học phí nhóm ngành y khoa ở nhiều trường ĐH khác cũng ở mức khá cao.
Học phí Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến) chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm, ngành Răng-Hàm-Mặt 55 triệu đồng/năm.
Tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện đang thu hai mức học phí. Theo đó, sinh viên không có hộ khẩu ở TP.HCM sẽ phải đóng học phí cao hơn, 605.000 đồng/tín chỉ, tương đương 23,6 triệu đồng/năm/sinh viên. Sinh viên có hộ khẩu TP.HCM sẽ đóng 305.000 đồng/tín chỉ, tương đương 11,8 triệu đồng/năm.
Được biết, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã nhiều lần đề xuất được tự chủ nhưng chưa được thực hiện. Nếu đề án tự chủ tài chính của trường được thông qua, có thể sinh viên ở các tỉnh ngoài TP.HCM sẽ phải đóng học phí lên tới mức 44 triệu đồng/năm.
Học phí trường ĐH Dược Hà Nội, hệ ĐH chính quy thu 1.430.000 đồng/tháng/SV. Học phí này thực hiện theo Nghị định 86 của Chính phủ về cơ chế thu, chi, quản lí học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
(PLO)- Nhà trường tuyển 2.312 chỉ tiêu và không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ kỳ thi THPT, THPT quốc gia các năm trước để tuyển sinh.