Liên quan đến vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng, mới đây, TAND Tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm, quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 205/2023 của TAND Cấp cao tại TP.HCM và giữ nguyên quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 155/2022 của TAND tỉnh Đồng Nai về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Lê Thị Anh Thư, Lê Thanh Tú, Nguyễn Thanh Tân và Phạm Thị Hương.
TAND Tối cao cũng quyết định hủy một phần Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM và một phần Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Trần Huy Lập, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thanh Bình, Lê Hùng Phong, Nguyễn Thị Như Mỹ và Nguyễn Thăng Long để xét xử sơ thẩm lại.
Theo quyết định giám đốc thẩm, các bị cáo Lập, Cúc, Bình, Phong, Mỹ, Long phạm tội buôn lậu thuộc trường hợp có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù, các bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình có công với cách mạng..., nhưng các bị cáo Lập, Cúc, Phong và Mỹ chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.
Bị cáo Bình và Long có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự (tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án), không đủ điều kiện để áp dụng hình phạt tiền, nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn áp dụng Điều 35 BLHS để xử phạt tiền đối với các bị cáo là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Mặt khác, các bị cáo đều là chủ doanh nghiệp, có vai trò chính trong việc thỏa thuận mua bán xăng nhập lậu nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính; trong khi đó, các bị cáo giúp sức cho các bị cáo này thì lại áp dụng hình phạt tù là chưa đảm bảo nguyên tắc phân hóa, phân loại khi xử lý tội phạm có đồng phạm và không công bằng đối với các bị cáo khác thuộc nhóm giúp sức trong cùng vụ án.
Do đó, cần huỷ một phần bản án để xét xử sơ thẩm lại theo hướng không áp dụng hình phạt chính là phạt phạt tiền đối với các bị cáo này.
Đối với bốn bị cáo: Thư, Tú, Tân, Hương thì tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Lê Thị Anh Thư 4 năm tù, Lê Thanh Tú 5 năm tù, Nguyễn Thanh Tân 6 năm tù và Phạm Thị Hương 3 năm tù đã là nhẹ và dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm chuyển hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bốn bị cáo phạm tội thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Mặt khác, các bị cáo đều là chủ doanh nghiệp, biết nguồn gốc là xăng nhập lậu nhưng vẫn bàn bạc, hứa hẹn việc mua bán xăng nhập lậu, phạm tội trong một thời gian dài, có tổ chức, thu lợi bất chính lớn nên việc áp dụng hình phạt chính là phạt tiền là quá nhẹ, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo này.
Xử sơ thẩm vào đầu tháng 12-2022, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả.
Cụ thể, tòa tuyên bị cáo Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) 17 năm tù, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) 16 năm tù cùng về tội buôn lậu. Đây là hai "ông trùm" góp vốn mua tàu sang Singapore lấy xăng lậu về Việt Nam tiêu thụ.
Xử phúc thẩm vào tháng 4-2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên tuyên bị cáo Viễn 15 năm tù (được giảm 2 năm so với án sơ thẩm- PV), Hữu 13 năm sáu tháng tù.