“Mấy ngày nay chạy xe ế quá, không đủ bù tiền mua xe. Lẽ ra đỡ hơn rồi mà tại cô Nhung đó chị. Rồi mấy đứa học trò theo lẽ đi học rồi, cũng tại cô Nhung…”. Thêm một lời than vãn như thế từ một tài xế Grab (mà người viết nghe kể lại vào sáng qua) cho thấy dịch COVID-19 quả là đang gây đại họa cho nhiều gia đình.
Mới nghe lời của anh này, nhiều người có thể hơi tức cười về việc người đã xui rủi mắc bệnh mà lại còn bị lên án nữa. Lại nữa, cô Nhung BN 17 không phải là tội đồ duy nhất gây ra mọi hậu quả có liên quan đến dịch COVID-19…
Song ngẫm lại sẽ thấy những người có nguy cơ và đã bị nhiễm COVID-19 như cô Nhung ấy rất đáng bị dư luận hài trách nhiệm để mọi người cùng nhắc nhau không được phạm thiếu sót tương tự. Bởi lẽ nếu ngay từ đầu họ thực sự biết sợ dịch để có hành xử đúng nhằm trước tiên là bảo vệ mình và cho thân nhân… thì dịch COVID-19 đã không bùng phát mạnh như hiện tại.
Cô BN 17 có hai hộ chiếu
Người tên Nhung - BN 17 đó chính là ca đem virus từ Anh về VN và là ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Hà Nội. Cô được phát hiện dương tính với COVID-19 vào tối 6-3, sau bốn ngày trở về VN từ London (Anh) trên chuyến bay VN0054. Chính cô ấy đã lây nhiễm cho bệnh nhân số 20 và cả hai đang có biểu hiện viêm phổi rõ nét. Riêng cô đã hết sốt ba ngày.
Theo nhìn nhận của số đông, cô Nhung đã giấu dịch khi đến Anh rồi có sang Ý là nơi đã có dịch nhưng khi về nước lại không khai báo để được cách ly, chữa trị ngay. Phê phán này đúng đến mức nào thì sẽ bàn thêm nhưng đến giờ nhiều người vẫn thắc mắc về việc lực lượng kiểm dịch tại sân bay đã không phát hiện cô về từ vùng dịch để buộc cô cách ly.
Cần lưu ý là cô Nhung có đến hai hộ chiếu. Ngoài hộ chiếu VN thì cô còn có hộ chiếu Anh. Chuyện một người Việt đồng thời có hộ chiếu nước ngoài như cô Nhung không lạ vì nhiều nước không bắt buộc người muốn nhập quốc tịch nước họ phải thôi quốc tịch nước khác.
Theo Luật Quốc tịch VN thì Nhà nước VN chỉ công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN, trừ trường hợp luật này có quy định khác. Đây là lý do mà trước đó cô Nhung đã dùng hộ chiếu VN để làm thủ tục xuất cảnh sang Anh và sau đó là làm thủ tục nhập cảnh về VN. Tức không có việc cô Nhung dùng đến hai hộ chiếu để làm thủ tục xuất cảnh như nhiều người đã nhầm.
Do có hộ chiếu Anh nên khi sang Anh cô Nhung đã không dùng hộ chiếu VN mà xài hộ chiếu Anh. Rất đơn giản là để cô được đi lại tự do trong các nước EU mà không cần visa. Vì lẽ này mà hộ chiếu VN của cô Nhung không có con dấu xuất nhập cảnh của Ý.
Cũng từ đó, khi cô Nhung quay về VN bằng hộ chiếu VN và không chủ động khai báo đã có đến Ý thì Công an cửa khẩu Nội Bài không thể nào biết sự tình để thực hiện chế độ kiểm soát đặc biệt đối với cô.
Lực lượng chức năng kiểm tra một khách sạn tại TP Huế, nơi có người ngồi cùng chuyến bay với ca nhiễm COVID-19 thứ 17. Ảnh: NGUYỄN DO
Không chấp nhận vì chủ quan mà lây bệnh
Theo hồ sơ điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, tại thời điểm cô Nhung có mặt ở Milan (Ý), nơi đây chưa ghi nhận dịch COVID-19 bùng phát. 11 ngày sau đó, cô có ho, có đau mỏi nhưng cô không đi khám. Lúc bay về VN và đáp xuống Nội Bài, cô không sốt.
Với những diễn biến như thế, có phải lúc vừa về nước, cô đã chủ quan không nghĩ mình bị nhiễm bệnh nên không khai báo y tế? Hay sau đó cô đã nhận ra mình có thể bị nhiễm bệnh nên đã chủ động không tiếp xúc với mọi người nhưng lại không đi khai báo với nhà chức trách theo như nhận định của một lãnh đạo ở Hà Nội?
Có thuộc một hoặc cả hai trường hợp này thì với việc lây bệnh dịch cho người khác từ việc không khai báo đầy đủ để được cách ly kịp thời, cô Nhung đều đã hoàn toàn sai.
Tới đây, việc cô Nhung có bị chế tài hay không sẽ tùy thuộc vào kết quả xác định hành vi vi phạm cụ thể dựa vào các quy định phù hợp. Dẫu chưa rõ kết cục thì vẫn phải thấy một điều hiển nhiên dành cho những người làm lây dịch bệnh từ sự thiếu trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng. Đó là ngay cả khi chính quyền không trị được họ vì không thể có đủ căn cứ pháp lý thì miệng đời đã oán trách họ rồi. Mức phạt không giấy mực đó luôn luôn rất nặng nề.
Che giấu hiện trạng bệnh COVID-19: Phạt đến 1 triệu đồng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nghiêm cấm các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm... Đi kèm theo đó là các quy định xử phạt hành chính những trường hợp sai phạm. Cụ thể, theo Nghị định 176/2013, hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (như COVID-19) sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng. Hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hay như che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch bị phạt 1-2 triệu đồng… Thậm chí, nếu có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm. |