Lý giải nguyên nhân nhiều học sinh tự chế tạo pháo nổ

(PLO)- Sở Giáo dục và Đào Tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk lý giải nguyên nhân khiến nhiều học sinh tự chế tạo pháo và đưa ra các giải pháp để phòng ngừa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-1, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã ban hành văn bản, yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường biện pháp phòng, chống việc học sinh tự chế tạo pháo.

Do tò mò và “không biết sợ”

Trong văn bản, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk xác nhận thời gian qua tình trạng học sinh (chủ yếu là học sinh cấp Trung học cơ sở) tự chế tạo pháo vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

học sinh tự chế tạo pháo- 1
Một nhóm học sinh bị xử lý vì tự chế pháo. Ảnh: S.Đ

Các vụ tai nạn do tự chế tạo pháo để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, có học sinh tử vong, có học sinh bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, thương tật suốt đời, để lại nỗi đau cho gia đình, xã hội.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, ngày 14-12-2023, vụ nổ do tự chế tạo pháo tại TP Buôn Ma Thuột khiến một học sinh bị đa chấn thương ở mắt, tay và chân. Học sinh bị nạn phải tháo bỏ toàn bộ bàn tay trái, tháo bỏ bốn ngón ở bàn tay phải vì các vết thương nặng.

Trước đó, ngày 22-3-2023, tại huyện Ea Kar xảy ra vụ nổ do tự chế tạo pháo khiến một học sinh tử vong, một em khác bị thương.

Ngày 25-12-2022, tại huyện Krông Ana, xảy ra vụ nổ do tự chế tạo pháo khiến hai em học sinh tử vong, hai em học sinh khác bị thương nặng.

Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk nhận định, nguyên nhân học sinh tự chế tạo pháo nổ xuất phát từ tâm lý tò mò, thích khám phá của lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh “không biết sợ” hoặc chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc tự chế tạo pháo, dẫn đến những tai nạn thương tâm.

Ngoài ra, việc mua bán hóa chất tràn lan trên mạng, dễ xem các video hướng dẫn cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng học sinh tự chế tạo pháo.

học sinh tự chế tạo pháo- 2
Nhiều gói hàng chứa các hóa chất để chế tạo pháo được học sinh đặt mua trên mạng. Ảnh: C.A

Cũng theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, công tác tuyên truyền, cảnh báo trong trường học chưa thực sự hiệu quả. Nhà trường, phụ huynh chưa có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý con em, phòng ngừa tai nạn thương tích do pháo nổ.

Theo tìm hiểu của PLO, chỉ trong tháng 12-2023, lực lượng công an các cấp tại Đắk Lắk đã liên tiếp xử lý các vụ việc tự chế tạo pháo liên quan đến học sinh.

Gần đây nhất, vào ngày 27-12-2023, Công an xã Ea Trul, huyện Krông Bông, đã phát hiện chín em học sinh trên địa bàn tự chế tạo pháo để bán hoặc đốt. Qua kiểm tra, công an thu giữ một quả pháo đại, 12 quả pháo tống cỡ lớn, 103 quả pháo bi và nhiều hóa chất liên quan.

Trước đó, ngày 26-12-2023, Công an xã Ea Uy, huyện Krông Pắk, phát hiện, xử lý sáu em học sinh (từ lớp năm đến lớp bảy) liên quan việc tự chế pháo nổ. Khám xét nơi ở của nhóm học sinh này, công an đã thu giữ 3,5 kg hóa chất và 56 viên pháo tự chế.

Công an các huyện Ea Súp, Krông Ana cũng liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều nhóm học sinh mua hóa chất, tự chế tạo pháo, thu giữ hàng trăm quả pháo và các vật dụng liên quan.

Phòng chống pháo nổ là trách nhiệm chung

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh tự chế pháo nổ, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các trường học, phối hợp với phụ huynh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát học sinh.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, người đứng đầu các cơ sở giáo dục nếu không triển khai, thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, để xảy ra tai nạn liên quan đến pháo nổ sẽ bị xử lý trách nhiệm.

học sinh tự chế tạo pháo 3
Nhóm học sinh tại huyện Ea Súp bị xử lý vì tự chế tạo pháo. Ảnh: C.A

Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các trường học phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở, thực hiện lập các nhóm Zalo, tăng cường tuyên truyền, thông tin cụ thể đến phụ huynh, học sinh hậu quả của các vụ tai nạn do tự chế tạo pháo để cảnh báo, tăng sức răn đe.

Một cán bộ thuộc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết việc phòng chống học sinh tự chế tạo pháo là trách nhiệm chung của các bên. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cả lực lượng công an để tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện, xử lý những học sinh vi phạm, ngăn chặn hậu quả đáng tiếc xảy ra.

"Nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích hậu quả về thương tích, về pháp lý. Gia đình cần theo dõi, giám sát các em vì hầu hết các em đều tự chế pháo ở nhà. Nhà trường hay gia đình đều có vai trò quan trọng nên cần phối hợp với nhau để thực hiện hiệu quả" - cán bộ này thông tin.

Theo trung tá Kiều Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Krông Pắk, hậu quả của việc tự chế pháo nổ rất nặng nề, thương tâm. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, phụ huynh cần có biện pháp theo dõi, giáo dục con em mình nhiều hơn.

"Nếu phát hiện các em có biểu hiện, dấu hiệu đặt mua hóa chất để tự chế tạo pháo, phụ huynh nên báo ngay cho lực lượng công an để cùng phối hợp, xử lý, nâng cao tính răn đe, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra" - trung tá Hùng nói.

học sinh tự chế tạo pháo 4
Nhóm học sinh huyện Krông Ana bị xử lý vì tự chế pháo. Ảnh: C.A

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn giao lực lượng công an điều tra, làm rõ vụ việc, đối tượng, kết luận nguyên nhân các vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do tự chế pháo trên địa bàn.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu lãnh đạo những địa phương đã xảy ra tai nạn do pháo nổ (TP Buôn Ma Thuột, các huyện: Ea Kar, Krông Ana, Krông Pắk) phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra các vụ việc tai nạn tương tự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm