Năm ngoái, tôi du lịch Nha Trang, đi tàu ra đảo tham quan. Chủ tàu phát áo phao cho khách mặc nhưng có người mặc được, có người không được vì áo bị hỏng dây, hoặc chật, hoặc thiếu khóa. Cũng có người tuy áo không hỏng nhưng họ chỉ cầm trên tay, thế mà tàu vẫn chạy. Có vẻ tàu phát áo phao lấy lệ, còn mặc hay không thì tùy khách.
Từ đảo này qua đảo kia, chúng tôi lên tàu khác. Lần này, chủ tàu không phát áo phao nữa, tàu vẫn rẽ sóng, khi ra ngoài khơi sóng to gió lớn, tàu nhồi lên nhồi xuống. Thanh niên thì thích thú hò hét, còn người lớn tuổi và trẻ em thì sợ hãi, tôi cũng sợ quá nên kêu chủ tàu xin một cái áo phao nhưng rồi tôi mặc không được vì cái áo phao quá nhỏ, tôi cố gắng loay hoay tháo dây dài ra, cài đỡ vài nút thắt… mà lòng bất an. Tôi gá được cái áo phao vô người rồi thì phát hiện mọi người nhìn mình với ánh mắt “người từ trên trời rơi xuống”. Có thể họ nghĩ tôi chết nhát hoặc không giống ai, vì trên tàu duy nhất có tôi mặc áo phao.
Lần khác, tôi đi du lịch sông nước Tiền Giang, cũng gặp tình trạng tương tự, tàu có áo phao nhưng khách không mặc, chủ tàu cũng không ép.
Việc khách đi tàu thì bắt buộc phải mặc áo phao, đó là quy định nhưng ai giám sát các quy định này? Nếu xảy ra tai nạn chìm tàu, khách không biết bơi chỉ có chết. Tôi mong các địa phương có tổ chức tàu đi du lịch phải bắt buộc chủ tàu mặc áo phao cho khách, phải kiểm tra áo phao có còn an toàn và chất lượng hay không, phải trang bị nhiều áo phao hơn số khách quy định, để nếu cái này hư, không hợp kích cỡ thì có cái khác thay thế. Cả hành khách nữa, sao lại xem thường tính mạng của mình? Sao lại tự đẩy mình vô cửa tử bởi sự chủ quan lẫn sĩ diện rằng tai nạn không bao giờ xảy ra với mình? Những chuyện này có khó khăn gì cho cam mà cứ nói mãi, nhắc hoài thì làm sao hạn chế được việc đuối nước khi có sự cố chìm tàu khách?
NGUYỄN VIẾT TUẤN(Phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM)