Trưa 29-2, LPS - một thanh niên ở Tây Ninh đăng status (dòng trạng thái) trên Facebook: “Sang Hí nói là làm. Nhẹ nhàng 5k like cởi truồng đi từ Monaco về Báo Quốc Từ. Ủng hộ nhe nhe”. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, LPS nhận được hơn 5.000 lượt like của cộng đồng mạng. Đến nay, sau gần hai ngày, dòng trạng thái này đã nhận được hơn 9.200 lượt like và hàng trăm lượt chia sẻ.
Chơi ngông để câu like
Hơn 8 giờ tối cùng ngày, LPS thông báo: “Monaco 9 giờ nha mấy bạn. Việt Nam nói là làm”. Từ lúc đăng thông báo đến lúc LPS hẹn ra “trình diễn” chỉ gần một tiếng đồng hồ nhưng các bạn trẻ đã có mặt gần quán cà phê Monaco để ngóng.
Đúng giờ, LPS xuất hiện trên một chiếc xe máy do người khác chở. LPS chỉ mặc độc một chiếc quần lót, lưng đeo ba lô. Nhiều người đi theo cổ vũ rần rần. Một số bạn trẻ chụp được những hình ảnh phản cảm này và post lên Facebook.
Công an địa phương không hay biết về vụ việc. Tuy nhiên, những hình ảnh phản cảm của LPS vẫn được nhiều người bàn tán và share (chia sẻ) trên mạng xã hội.
Đến nay, LPS vẫn lên Facebook trả lời các comment. Một số bạn bè trên Facebook của LPS đòi anh này phải làm lại và cởi 100% như đã hứa. Tuy nhiên, rất đông các facebooker ở Tây Ninh share mạnh các hình ảnh phản cảm của LPS để “ném đá” (phê phán). Họ bày tỏ sự bức xúc bởi vì LPS chọn cách rất phản cảm để nổi tiếng, không tôn trọng chính bản thân mình và gây tác động xấu đến nhiều người.
Một người cho biết sau sự kiện này, có một bạn nữ ở Tây Ninh đòi “xin” đủ 1.000 like để… thả rông ngực. “Các bạn trẻ này điên mất rồi” - người này bày tỏ bức xúc trên Facebook.
Hình ảnh S. mặc quần lót được một số người chụp lại và đăng Facebook. Ảnh: HỒNG MINH
Không phạt được người mặc quần lót
Hành vi mặc quần lót nhong nhong giữa đường phố của S. để câu like rất phản cảm, gây tác động xấu đến nhiều người và xã hội. Tuy nhiên, quy định hiện hành lại không cho phép cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính được.
Theo luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), trước đây Nghị định 73/2010 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội) có quy định xử phạt hành vi này. Cụ thể khoản 1 Điều 10 nghị định này quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, đến Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (thay thế Nghị định 73/2010) thì hành vi này không được đề cập nữa. “Đây là điều bất cập của pháp luật khi đã bỏ sót xử phạt hành vi nêu trên. Do vậy, trong trường hợp nói trên, dù hành vi của anh S. gây phản cảm, ảnh hưởng xấu đến đâu thì cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt được vì không có quy định” - luật sư Tâm nói.