Nổi danh là nhà đầu tư chứng khoán, nay hoa hậu Mai Phương Thúy đang tung tiền tỉ cho chuỗi cầm đồ F88 vay. Cụ thể, Mai Phương Thúy vừa mua 10 tỉ đồng trái phiếu của F88, trong tổng số 100 tỉ đồng được phát hành thành công ra thị trường. Như vậy, một mình hoa hậu Mai Phương Thúy đã ôm 10% tổng số trái phiếu phát hành của chuỗi cầm đồ này.
Mai Phương Thúy là điển hình của nhà đầu tư cá nhân gia nhập sân chơi trái phiếu, nơi trước đây vốn là lãnh địa của các tổ chức doanh nghiệp (DN), tài chính và ngân hàng.
Sức hút khó cưỡng với nhà đầu tư cá nhân
Chuỗi cầm đồ F88 không phải là đơn vị duy nhất phát hành trái phiếu để vay vốn phục vụ cho các hoạt động kinh doanh thay vì vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, số vốn huy động của F88 không quá lớn so với hàng loạt đơn vị khác đang rầm rộ phát hành trái phiếu trên thị trường. Điểm đáng chú ý là hiện nay rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ xô mua trái phiếu.
Chẳng hạn, toàn bộ trái phiếu với tổng trị giá gần 50 tỉ đồng do Công ty Vận chuyển Mecury phát hành mới đây đều được các nhà đầu tư cá nhân mua hết. Hay Công ty Chứng khoán Trí Việt huy động được 80 tỉ đồng trái phiếu từ 42 nhà đầu tư cá nhân, chiếm tỉ trọng nắm giữ 49,88% lượng trái phiếu phát hành thành công, trong khi chỉ có một nhà đầu tư tổ chức tham gia.
Tương tự, có 38 nhà đầu tư cá nhân đã mua gần 40% giá trị 98 tỉ đồng trái phiếu do Con Cưng phát hành. Thậm chí chỉ một nhà đầu tư duy nhất ôm trọn 50 tỉ đồng trái phiếu của Công ty Đại Tây Dương.
Theo các chuyên gia, lãi suất chính là lực hút khiến các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường này. Theo đó, lãi suất huy động trái phiếu của các công ty đều rất cao, dao động 9%-14%, thậm chí lên đến 15%/năm. Ví dụ, Công ty Mecury đưa mức lãi suất lên đến 13%/năm.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định hiện các mức lãi suất trái phiếu đều lớn hơn lãi suất huy động từ ngân hàng, kể cả mức lãi suất cao nhất của ngân hàng (trên 13 tháng) cũng không theo kịp lãi suất thấp nhất của trái phiếu. Chẳng hạn, trường hợp hoa hậu Mai Phương Thúy mua trái phiếu F88 với mệnh giá 10 tỉ đồng, thời hạn 24 tháng, lãi suất năm đầu 12,3% và năm tiếp theo là 13%. Điều này có nghĩa nếu hoa hậu nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn thì cô thu được lợi suất 2,53 tỉ đồng.
“Đây là khoản lợi nhuận mà không tổ chức tín dụng nào có thể theo kịp. Ngoài ra, tùy vào nhu cầu hay sức hấp dẫn của hàng hóa khác, hoa hậu có thể bán trước hạn trái phiếu vẫn có lãi hay chuyển nhượng dễ dàng để lấy tiền mà không bị bỏ lỡ cơ hội đầu tư hấp dẫn khác. Trong khi nếu rút tiền trước hạn ở ngân hàng, toàn bộ khoản lãi trả theo kỳ hạn sẽ chuyển qua trả lãi không kỳ hạn với mức lãi rất thấp” - ông Phương dẫn chứng.
Chuỗi cầm đồ F88 vừa phát hành thành công 100 tỉ đồng trái phiếu (ảnh trên) và hoa hậu Mai Phương Thúy (ảnh dưới) chi 10 tỉ đồng mua trái phiếu của đơn vị này. Ảnh: TL
Dễ sập bẫy “bánh vẽ” của doanh nghiệp
Với việc phát hành trái phiếu, DN huy động vốn từ người dân và nhà đầu tư mà không chịu nhiều ràng buộc các quy định như vay ngân hàng, thủ tục đơn giản và không cần tài sản đảm bảo. Nhà đầu tư kiếm lãi cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, câu chuyện không đơn giản như vậy mà có nhiều nguy cơ rủi ro đằng sau tờ giấy trái phiếu.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), thừa nhận các DN phát hành trái phiếu chưa có quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm nên nhà đầu tư khó có sự đánh giá chính xác về chất lượng DN. Thị trường trái phiếu cũng chưa có các công cụ bảo hiểm rủi ro cho nhà đầu tư.
Chưa kể nhà đầu tư cá nhân còn dễ rơi vào mê hồn trận nếu DN phát hành trái phiếu bắt tay với ngân hàng, công ty chứng khoán để huy động vốn. Vì thực chất nhà đầu tư chỉ nhìn thấy có ngân hàng, chứng khoán tham gia trong phát hành trái phiếu nên an tâm mua mà không biết các đơn vị này chỉ là bên trung gian hưởng phí dịch vụ, không có bất kỳ cam kết nào về tính an toàn trái phiếu.
Vì không có sự giám sát chặt chẽ nên DN phát hành trái phiếu dễ vẽ ra thông tin dự án huy động đầu tư với tương lai tốt đẹp, thiếu trung thực, kể cả lừa đảo. Nhà đầu tư cá nhân lại không có công cụ cũng không có khả năng đi sâu vào tìm hiểu các dự án đầu tư này để đánh giá trước khi quyết định chính xác xuống tiền mua trái phiếu DN.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cũng cho rằng nhà đầu tư cá nhân hiện nay dễ bị “bẫy” vì đầu tư trái phiếu theo cảm tính, dựa trên cơ sở lòng tin thay vì đánh giá cho vay bằng số liệu cụ thể. Với những lý do nói trên nên theo ông Phương, việc nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu là trao tiền thật để nhận về tờ giấy và kỳ vọng DN làm ăn có lãi. Ngoài ra, nhà đầu tư không có bất cứ sự đảm bảo nào về khoản vay cũng như việc biết được tiền cho vay đã được sử dụng vào mục đích gì.
“Nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro lớn, có thể mất trắng tiền nếu DN phá sản chứ không như khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng, người gửi được bảo vệ tối đa từ Nhà nước” - ông Phương cảnh báo.
Chưa được định giá độc lập, xếp hạng tín nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đánh giá mặt tích cực của trái phiếu DN là từng bước hình thành kênh cung vốn trung dài hạn cho DN, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại; hỗ trợ DN thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu DN sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. Bởi tổ chức phát hành trái phiếu DN hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro. “70% DN phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý, vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích…” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu DN. Để tránh rủi ro đầu tư trái phiếu Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, nếu mua trái phiếu nhà đầu tư nên tìm hiểu có ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh thanh toán hay không vì nó sẽ giúp tránh rủi ro nếu DN không trả được tiền thì có ngân hàng đứng ra thanh toán. “Bên cạnh đó, để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư cá nhân, cơ quan quản lý cần buộc DN minh bạch hóa thông tin và DN cần được kiểm toán” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. |