Vào tháng hai âm lịch cỡ này là đi chợ cúng đất. Đi chợ mua đồ cúng thì tôi thích mua sắm cúng đất nhất. Bởi mua sắm cúng đất có gì đó mang hồn vía người đất Quảng, đúng kiểu “chặt to kho mặn” của người đất Quảng.
Thiệt nhé, cúng đất có các món từ phẩm vật nhà nghèo cho tới nhà dư dả, từ ngọn rau lang luộc, chén mắm cái đến con gà cúng lịch lãm mà các bà các chị phải dày công đứng luộc bên bếp lửa sao cho chú gà ra bàn tướng mạo vẫn phương phi - đại diện cho chủ nhà lễ vật kính thổ thần thổ địa, rồi các sản vật trồng của đất lên hết trên bàn cúng.
Cúng đất có các món từ phẩm vật nhà nghèo cho tới nhà dư dả. Ảnh: LB
Mâm cúng đất có thể chia thành các nhóm sau:
* Hoa quả áo giấy: Món này thì chỉ mua sắm, không phải làm gì. Chọn trái cây tươi màu. Đu đủ, xoài, mãng cầu, sapuche, quýt, thanh long, mỗi thứ một vài quả. Mâm cúng đẹp nhờ hoa quả xanh tươi. Hoa cúng đất thường gồm những hoa đơn giản như hoa phượng, hoa cúc, hoa vạn thọ,... Có hoa vạn thọ để cúng là thích nhất, hoa cho mùi thơm khắp nhà, cái mùi thơm vạn thọ, thiệt thích, thơm cả lá, cả hoa.
* Rồi sắn khoai, bắp, đậu phụng, mía. Mùa này còn có đậu nành tươi, loại đậu nành được kẹp từng kẹp nhỏ bán ở các hàng rau quê ra. Món đậu này góp phần vào danh mục quà vặt nhà quê. Đậu nành tươi luộc bùi bùi, beo béo. Lỡ có được đi xa đâu đó xứ người, gặp món đậu nành luộc có rắc chút hột muối dùng làm món khai vị, tôi bần thần thương nhớ.
Thương, khi nhìn trái đậu nhà người vừa lớn, vừa xanh, xanh từ trong từng hạt đậu nảy ra đến vỏ.
Nhớ, hạt đậu quê mình nhỏ tẻo teo, vàng từ vỏ vàng vô. Thương đất quê mình sao khó nghiệt khó ngã vậy ta, hạt đậu cũng không đủ chuẩn.
Các món sắn, khoai, đậu, bắp... đó thiếu bớt một thứ cũng không sao, cốt ở lòng thành.
* Tiếp tới các món luôn phải có của mâm cúng đất: Đĩa rau luộc, chén mắm cái, tợ thịt luộc, trứng, tôm, cua, dĩa xôi, chén chè. Đây là phần lễ, miếng thịt heo luộc phải cắt ngay ngắn trên đĩa, vài hạt muối sống, kèm con dao nhỏ.
Phần lễ mỗi ngày một nhiều hơn, phong phú hơn, thêm con gà trống rồi ngoài thịt heo luộc còn có thịt heo nướng, cá nướng... Thời bao cấp, mâm lễ có tợ thịt heo là đã đầy đủ ý nghĩa.
* Đến mâm cơm thì tha hồ biến tấu với mâm cơm cúng đất. Cơm trắng, đĩa thịt luộc xắt, thịt rang, cá chiên, cá kho, ram chiên, món xào rau đậu, món canh,.. Canh thì có canh khổ qua nhồi thịt, canh khoai sọ hầm xương. Đặc biệt thường là món canh khoai môn hầm xương do củ khoai được đào lên từ đất phải có để cúng thần đất.
Có thời các bà các chị kiêng canh khổ qua do để trại qua chữ “khổ quá”. Không đúng lắm, tôi thấy giỗ quảy nhà tôi hay quê tôi món canh khổ qua lúc nào cũng đầu bảng.
Mâm cúng đất giống tính cách người xứ Quảng. Ảnh: LB
Vậy là mâm cúng đã đủ lễ. Sản vật từ trên đất dưới sông đã đủ. Bày cúng thôi, càng nhiều thì càng đúng với câu “mâm cao cỗ đầy” kính dâng thổ công, thần hoàng, bổn xứ. Cầu một năm mưa thuận, gió hoà, mua may, bán đắt (đông người mua chớ không phải giá đắt).
Ấy, vì mâm cúng đất phong phú vậy mà không phải cầu kỳ tỉa tót. Có cả món dân dã nhà nghèo, khoai sắn luộc tới rau lang, đến các món được chặt to kho mặn nên tôi nói mâm cúng đất giống tính cách người xứ Quảng là vậy.