Căn bệnh bắt đầu 4 tháng trước với những triệu chứng tương tự cảm lạnh đã khiến anh Alex Lewis, 34 tuổi phải cắt bỏ cả hai chân và tay trái sau khi bàn chân, ngón tay, cánh tay, môi, mũi và một phần tai của anh bị hoại tử.
Lewis nhớ lại rằng vào một đêm tháng 11 đó anh đã đi ngủ sớm để rồi thức giấc lúc 2h sáng và thấy mình đi tiểu ra máu.
Lewis được đưa gấp vào bệnh viện và các bác sĩ ở bệnh viện Royal County, Winchester (Anh) đã sớm chẩn đoán anh bị nhiễm trùng máu do liên cầu nhóm A - một vi khuẩn bình thường vốn vô hại và cơ thể có thể tự tiêu diệt.
Nhưng không may là ở Lewis, vi khuẩn đã phát triển gây nhiễm trùng máu và hội chứng sốc nhiễm độc khiến các bác sĩ e rằng anh chỉ có 3% cơ hội sống.
Tình trạng hoại tử khiến Lewis buộc phải cắt bỏ các chi để cứu tính mạng.
Trong tháng 12 và tháng 1, anh đã phải trải qua một loạt những ca mổ lớn để cắt bỏ hai chân, tay trái và thậm chí phải lấy cơ ở lưng để ghép vào phần cánh tay phải bị hoại tử.
Tuy nhiên giờ đây các bác sĩ hy vọng anh sẽ phục hồi được cảm giác ở tay phải sau khi việc điều trị hoàn tất. Lewis cũng sẽ sớm được chuyển tới cơ sở chuyên khoa để lắp chi giả và phục hồi chức năng.
Miệng Alex cũng bị vi khuẩn "ăn thịt"
Liên cầu nhóm A là vi khuẩn thường gặp ở họng và da. Đại đa số các trường hợp nhiễm vi khuẩn này khá nhẹ, như viêm họng và chốc lở. Vi khuẩn thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ người bệnh và qua tiếp xúc với vết thường hoặc vết loét nhiễm khuẩn.
Song đôi khi vi khuẩn có thể trở nên đe dọa tính mạng nếu chúng thâm nhập được vào những cơ quan như máu, cơ hoặc phổi.
Hai trong số những thể nặng nhất của bệnh do liên cầu nhóm A xâm nhập là viêm cân cơ hoại tử (nhiễm khuẩn ở cơ và mô mỡ) và hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu.
Những dấu hiệu và triệu chứng sớm của viêm cân cơ hoại tử là sốt, đau nhiều, sưng và đỏ tại chỗ vết thương. Các triệu chứng sớm của hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu gồm sốt, chóng mặt, lú lẫn, tụt huyết áp, phát ban và đau bụng.
Nhiễm liên cầu A xâm nhập thường hiếm gặp, ước tính tỷ lệ bệnh ở Anh chỉ là 1/33.000 người mỗi năm. Bệnh thường được điều trị bằng tiêm kháng sinh trong 7 đến 10 ngày. Một số trường hợp cần phẫu thuật để cắt lọc hoặc phục hồi mô bị tổn thương.
Một phần tư số người bị nhiễm liên cầu A xâm nhập sẽ chết vì bệnh.
Theo Thùy Linh (Daily Mail, Dân trí)