Bên cạnh chế độ dinh dưỡng với tri thức, thời biểu nghỉ ngơi cân đối và chương trình sinh hoạt thích hợp, việc áp dụng hoạt chất sinh học ngay khi bước vào tuổi trung niên, thay vì lạm dụng dược phẩm tổng hợp để gây thêm gánh nặng cho lá gan, trái thận, khung ruột… chính là biện pháp an toàn. Kẹt không phải ở chỗ vì sao mà là làm sao?! Lý do là vì người vào tuổi trung niên có tối thiểu hai điểm hở sườn liên quan đến chuyện ăn ngủ.
Làm sao ngủ yên mà không lệ thuộc thuốc an thần?
Do tác hại khó tránh của tình trạng xơ vữa vi mạch với hậu quả là thiếu dưỡng khí nội bào thần kinh, người càng qua nửa đường đời khó có giấc ngủ như mong muốn. Chức năng tư duy, điển hình là trí nhớ vì thế cũng từng bước suy giảm. Thêm vào đó là khuynh hướng đau đầu nhiều ngày trong tháng rất rõ nét khi nạn nhân thuộc nhóm “không stress không về”, có bệnh mắt như tăng áp lực nội nhãn, đục thủy tinh thể hay thoái hóa cột sống cổ. Dấu hiệu kinh điển của hội chứng suy nhược thần kinh: đau đầu, đãng trí và mất ngủ rõ ràng là vấn đề trăn trở của người mấp mé nửa đường đời, đặc biệt ở đàn ông bước vào giai đoạn mãn dục nam, đàn bà tiền mãn kinh. Đó là chưa kể đến hai căn bệnh nghiêm trọng là hệ quả của tình trạng mất ngủ kéo dài: cao huyết áp và tiểu đường!
Nếu nghĩ đây là chuyện phải chịu đựng thì sai. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy khả năng tư duy từ trung niên được cải thiện thấy rõ nếu ngủ sâu cho dù không hơn sáu giờ mỗi đêm. Nhưng nếu tưởng như thế chỉ cần dùng thuốc ngủ loại hóa chất tổng hợp để mua cho bằng được giấc ngủ tạm bợ thì càng sai. Sau nhiều công trình khảo sát đại trà, thầy thuốc hiện nay không còn nghi ngờ về mối liên hệ giữa việc lạm dụng thuốc an thần và tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và trầm uất.
Người trung niên cần ổn định chất lượng của giấc ngủ theo đúng nhịp sinh học để qua đó mượn tác dụng hồi phục của giấc ngủ nhằm bồi đắp cho sức đề kháng.
Làm sao tìm được phương án an toàn cho cơ thể không còn tươi trẻ của người trung niên? Mục tiêu đó hoàn toàn khả thi từ khi thầy thuốc thay vì chấp nhận đánh đổi bằng phản ứng phụ nghiêm trọng của hóa chất tổng hợp, đã và đang tìm về hoạt chất sinh học với công năng an thần và thư giãn thần kinh thông qua hiệu năng kháng ôxy hóa trên tế bào thần kinh, như với anthocyanin, pterostilbene, gaba trong gạo lứt, trong rau quả. Hiệu năng này càng nổi bật nếu được hỗ tương bởi tác dụng hoạt huyết của cây thuốc như bạch quả, đinh lăng…
Làm sao ăn ngon mà không sợ tăng mỡ máu?
Bên cạnh chất đạm và chất đường, chất béo không thể thiếu trong cơ thể con người vì là thành phần căn bản của tất cả cấu trúc, từ màng tế bào bước qua kháng thể cho đến nội tiết tố. Chất béo vì thế được cơ thể tổng hợp để đáp ứng nhu cầu phục hồi. Vấn đề chỉ là số lượng và thể loại của chất béo.
Nếu nghĩ theo kiểu muốn giảm chỉ cần xiết đầu vào thì sai. Đã rối loạn biến dưỡng chất béo thì chất mỡ trong máu vẫn tăng cho dù có nhịn ăn thịt mỡ vì cơ thể tự tổng hợp chất béo từ chất đường thặng dư trong máu, như trong trường hợp của người tiểu đường. Câu hỏi trên thực tế là làm sao có bữa ăn ngon miệng mà không phải lúc nào cũng áy náy vì cơn ác mộng mang tên mỡ máu, vì hình ảnh ghê rợn của tai biến mạch máu não, của nhồi máu cơ tim.
Dùng thuốc hạ mỡ máu trong trường hợp chẳng đặng đừng tuy là giải pháp đành chấp nhận nhưng không thể là biện pháp an toàn nếu trị bệnh theo lối chữa cháy cầm canh! Vấn đề không nan giải đến thế nếu người chữa bệnh được thông tin về loại mỡ tốt được thầy thuốc đặt tên là HDL. Ai có đủ chất này, người đó dù có bệnh vẫn dễ chữa hơn kẻ thiếu HDL. Bằng chứng là:
- Số người tái phát sau cơn nhồi máu cơ tim thấp hơn thấy rõ ở nhóm không thiếu HDL.
- Thời gian hồi phục sau lần thuyên tắc mạch vành được rút ngắn tối thiểu 30% ở người có HDL trong định mức bình thường.
- Hàm lượng kháng thể siêu vi B và C giảm nhanh hơn ở người tuy viêm gan nhiễm mỡ nhưng đủ HDL trong máu.
- Tỉ lệ di căn ung thư giảm nhiều ở đối tượng có hàm lượng HDL được cải thiện sau quá trình điều trị hậu ung thư.
- Phản ứng phụ như rụng tóc, thiếu máu… không nghiêm trọng ở bệnh nhân hóa-xạ trị nếu đối tượng có hàm lượng HDL trong định mức bình thường.
- Biến chứng của bệnh tiểu đường ít hơn ở người không thiếu HDL.
Hiện không thiếu thuốc hóa chất để hạ mỡ máu. Đáng nói chỉ ở chỗ không nhà sản xuất nào quả quyết thuốc không phản ứng phụ khi dùng dài lâu. Đáng tiếc vì giải pháp không quá xa tầm tay từ khi thầy thuốc phát hiện tác dụng hạ Triglyceride đồng thời tăng HDL của nhiếu hoạt chất trong sáp mía, dấm táo, men gạo… Không có cách nào khéo hơn là trở về với thiên nhiên.
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG