Vụ án này tiếp tục nối các vụ tấn công lực lượng bảo vệ rừng (kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp, nhân viên các ban quản lý rừng…). Nó cho thấy việc bảo vệ rừng không chỉ nằm ở việc siết chặt vòng vây đối với các lâm tặc. Vậy cái khó nằm ở chỗ nào?
Thực tế cho thấy có hai lực lượng lâm tặc. Một là những người dân bản xứ hoặc di dân nghèo khó. Kế sinh nhai gần như phụ thuộc vào rừng. Dân trí của họ không thay đổi kịp so với yêu cầu của đời sống kinh tế-xã hội để có thể kiếm nguồn sống khác. Vì thế họ buộc phải khai thác tài nguyên rừng trái phép để sinh sống.
Thế nhưng họ không đáng sợ bằng các lâm tặc “áo có măng-sét, đeo caravat” hay như những “ôm trùm” trong thế giới gỗ lậu. Không hiểu sao họ có khả năng và quyền năng đưa gỗ ém gần các trạm kiểm soát biên phòng, cửa khẩu; “mặc áo tàng hình” qua trạm kiểm lâm. Họ có khả năng tàn phá rừng hàng loạt và len vào cả những kẽ hở trong chính sách về rừng để hốt bạc.
Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng hiện nay, nhất là đối với nhân viên các ban quản lý rừng, luôn đối diện với hiểm nguy, thậm chí là đánh đổi cá tính mạng khi đối diện với lâm tặc. Bởi với lực lượng chuyên trách như kiểm lâm được trang bị súng và được quyền sử dụng vũ khí để trấn áp khi cần thiết. Còn nhân viên ban quản lý rừng trong tay không có súng ống gì thì khi đối mặt với dao, rựa và sự hung hãn, họ chỉ có nước hoặc làm ngơ cho qua hoặc phải đưa cả tính mạng mình đánh đổi. Đó là chưa nói đến các chế độ đãi ngộ ghi công đối với lực lượng này cũng còn lắm gian truân.
Nếu công cuộc bảo vệ rừng chỉ nhìn vào hiện trạng rừng tàn phá mà không nhìn vào đời sống kinh tế-xã hội của người dân bản xứ, không nhìn vào chế độ đãi ngộ dành cho các lực lượng bảo vệ rừng, không nhìn vào những lâm tặc “áo có măng-sét đeo caravat”… thì quả thực là rất khó.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, câu nói dân gian ấy đã vượt ra ngoài ý nghĩa làm rừng cơ cực lắm, mà mang hàm nghĩa cái giá phải trả khi tàn phá rừng xanh. Trong bao năm qua, chúng ta đã đau đớn nhìn rừng bị tàn phá một cách khủng khiếp. Rất nhiều tiếng kêu cứu đã vang lên và cái giá phải trả đối với cả cộng đồng xã hội là không kể xiết. Rất nhiều nước mắt đã phải rơi cho những cán bộ bảo vệ rừng mãi mãi nằm lại với rừng xanh khi bị lâm tặc tấn công đến chết và nước mắt chảy ngược vào trong khi chứng kiến những cánh rừng pơ mu ngã xuống cạnh đồn biên phòng, khu kinh tế cửa khẩu như chuyện mới xảy ra ở Quảng Nam…
Thủ tướng đã ra lệnh “đóng cửa rừng tự nhiên”! Điều ấy chỉ thành hiện thực khi những vấn đề trên được đặt ra và có giải pháp hiệu quả.