Tình mẫu tử của những người mẹ điên - Bài 1

Mẹ quên hết, chỉ nhớ mỗi việc chăm con

LTS: Đâu đó người ta vẫn thấy những cảnh cha mẹ bỏ rơi con. Trong khi đó, có những người mẹ mắc bệnh tâm thần nhưng sâu thẳm trong họ là tình thương con bao la từ bản năng làm mẹ vẫn vẹn nguyên.

Pháp Luật TP.HCM xin chia sẻ câu chuyện về những người mẹ rất đặc biệt này cùng bạn đọc.

Sau giờ làm việc buổi sáng, anh Thân Văn Linh (29 tuổi) về nhà thăm mẹ. Căn nhà đại đoàn kết nhỏ xíu, xây gạch thô nằm im lìm trong con hẻm đất của ấp Bình Long (xã Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh) gần như không có lối vào do chỗ nào cũng trồng rau lổn nhổn. Anh Linh vòng ra sau mở cửa bếp, một phụ nữ gầy gò, khắc khổ ngồi vò những trái đậu khô ngẩng lên cười giòn, giơ tay đón anh.

Bi kịch trở thành người tâm thần

Người đàn bà cầm lên một nắm vỏ đậu xanh trong bàn tay nứt nẻ, chai sạn, hớn hở khoe với anh Linh: “Cái này mẹ làm bánh giò cho con”. Bà kéo anh ngồi xuống, kể cho anh nghe những câu chuyện lấy từ ký ức đã bị xáo trộn, bằng giọng nói không còn rõ tiếng. Bà cứ độc thoại một mình bởi bà không thể nghe con trai trò chuyện nữa. Bà bị điếc 18 năm qua.

Anh Linh cho biết mẹ anh tên Thân Thị Loan, vốn xuất thân trong một gia đình giàu có ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Sau khi bà lấy chồng một thời gian thì gia cảnh sa sút, thất bại, tài sản tiêu tan hết. Khi bà đang mang thai đứa con út, chồng ruồng rẫy bà và mang con trai lớn ra đi. Những biến cố liên tiếp giáng xuống trở nên quá sức chịu đựng khiến bà đổ bệnh.

Anh Linh là nguồn vui sống của người mẹ tâm thần. Ảnh: HM

Bà Loan và túi đậu thu hoạch được để dành “làm bánh cho con”. Ảnh: HM

Lúc này, bà Loan phải nhờ vào sự cưu mang, chăm sóc của vợ chồng chị gái. Sau đó chồng bà lấy vợ khác, bà không được gặp con. Một thời gian sau, bà thường hay nói lảm nhảm, suốt ngày nói về chuyện cũ. Bà không còn nhận thức được cuộc sống xung quanh, ngoại trừ việc chăm sóc đứa con bé bỏng mới sinh đặt tên là Linh.

Chị bà Loan thương em, đã đưa em đi chữa bệnh nhiều nơi nhưng không đạt kết quả. Sau đó bà Loan bị điếc, không còn nghe được nữa.

Năm anh Linh 17 tuổi, gia đình chị bà Loan di cư vào Tây Ninh. Mẹ con anh Linh đi cùng trong sự bảo bọc của bác gái. Anh Linh được bác giúp cho ăn học.

Từ khi vào Tây Ninh, hằng ngày bà Loan ra vườn lọ mọ trồng rau, trồng đậu. Hết chỗ trồng, bà bửa luôn khoảng sân đất cứng trước nhà để trồng cà. Nhiều đêm mới 2 giờ sáng, hàng xóm đã phải thức giấc vì bà kéo củi về nhà chặt. Hàng xóm qua nói cũng không được, vì bà bị điếc. Nhưng bà tự nói một mình: “Không làm lấy cái gì mà ăn, mà nuôi con”.

“Tôi lớn lên trong tình thương của mẹ”

Người mẹ đã không còn nghe được, không còn nhớ tên mình. Có lẽ đó là cách phản vệ của một tâm hồn nhạy cảm khi đã phải trải qua những đớn đau quá lớn.

Anh Linh cho biết lúc anh còn nhỏ, mẹ anh bệnh nặng nhưng lúc nào cũng ẵm bồng anh trên tay không dám rời. Mẹ anh sợ cha anh sẽ bắt anh đi. Mấy lần bà bớt bệnh, tìm đến nhà chồng cũ xin gặp mặt con trai cả (là anh của anh Linh) nhưng không được. Mỗi lần trở về, bà khóc rất nhiều rồi bệnh nặng thêm.

Đến bây giờ, anh vẫn chưa một lần được gặp cha. Mẹ anh vẫn nhắc tên con trai lớn, vẫn giận khóc chồng như chuyện mới xảy ra hôm qua. Nhưng giữa những chuỗi ngày dài lúc mê lúc tỉnh, người mẹ vẫn tất tả làm việc để “có cái để dành cho con”.

Có hôm anh mang về cho mẹ túi đậu phộng nhưng bà không ăn mà đem ra vườn cuốc đất để gieo. Anh Linh rớt nước mắt khi nói về mẹ: “Tôi lớn lên trong tình thương của mẹ. Mẹ tôi dẫu bệnh nhưng tâm tính rất tốt. Từ nhỏ tới giờ, tôi không cảm thấy mình thua thiệt với ai. Bây giờ, tôi rất hạnh phúc vì vợ tôi cũng thương mẹ”. Vợ anh làm công nhân, anh làm ở một tiệm điện tử. Ban ngày, hai vợ chồng thay nhau về trông coi và mang cơm cho mẹ. Vợ chồng anh không cho mẹ anh nấu nướng gì vì sợ gây ra hỏa họan.

Một buổi chiều, anh Linh về nhà thấy mẹ ngồi ở góc bếp, đang cặm cụi viết thư cho con trai lớn. Nhưng chỉ được vài câu rồi thì chữ lại rối vào nhau…

Vì mắc bệnh tâm thần, chị Nguyễn Thị Mỏng (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, Tây Ninh) thường đi lang thang, ai cho gì ăn nấy. Từ khi có con, chị bỗng dưng biết đi lượm ve chai kiếm tiền nuôi con. Bà con tiểu thương chợ Cầy Xiêng gần nhà ai cũng thương chị, luôn để dành đồ ve chai cho chị vì: “Mỏng nó khùng nhưng biết thương con, biết nuôi con”. Chị Mỏng đi lượm ve chai nhưng không phân biệt cái gì bán được, cái gì không bán được. Vì thế chị lượm luôn cả gỗ mục, giẻ rách bỏ vô bao mang về. Con gái chị chăm ngoan, học giỏi và rất thương mẹ. Chị nói như người tỉnh: “Em biết em khùng mà, người ta hay nói em khùng. Nhưng em ráng lượm ve chai nuôi con ăn học như người ta. Nó học giỏi lắm!”.

Bà Loan ở đây chăm chỉ lắm. Nhiều hôm tôi đi làm về khó ngủ, mới chợp mắt chút đã phải tỉnh dậy vì chưa sáng bà ấy đã đi kéo củi ngang qua nhà, rồi đi cuốc đất, vừa làm vừa nói um lên. Nhưng không ai phiền vì hoàn cảnh bà ấy thương quá. Bà ấy không tỉnh táo nhưng rất thương con. Nhà bà ấy khó khăn lắm, năm 2005, xã đã cất cho bà một căn nhà tình thương.

Ông NGUYỄN NGỌC NINH,
công an xã phụ trách ấp Bình Long

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm