Miền Trung sẵn sàng ứng phó với mưa lũ

(PLO)- Các tỉnh miền Trung đã sẵn sàng các phương án ứng phó cho đợt mưa lớn, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở để sớm di dời người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 13-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, từ nay đến ngày 17-11, dự kiến trên địa bàn tỉnh này xuất hiện một đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to.

Mưa lớn tập trung chủ yếu trong ngày 13 và 14-11 với tổng lượng mưa phổ biến từ 150mm - 300mm, có nơi trên 400mm.

Quảng Bình đã lên các phương án ứng phó với đợt mưa lớn sắp tới
Miền Trung sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Ảnh: BT

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lực lượng chức năng tại Quảng Bình đã thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết chủ động phòng tránh.

Trên đất liền, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại các địa phương kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất khi mưa lớn. Cảnh báo và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, chủ động sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Theo thống kê, tại Quảng Bình hiện có tám vị trí có nguy cơ sạt lở cao khi mưa lớn, như: Đồi phòng không (ở xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa), điểm sạt lở tại tổ dân phố 5 (thị trấn Quy Đạt), núi Cây Sường (tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), đồi Hạ Vàng (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch).

Ngoài ra, mực nước tại 153 hồ thủy lợi ở tỉnh Quảng Bình đã đạt bình quân khoảng 82% dung tích thiết kế, trong đó có 13 hồ đã đạt 100% dung tích thiết kế.

lực lượng biên phòng Quảng Bình thông báo cho các tàu thuyền chủ động phương án phòng tránh.jpg
Lực lượng biên phòng thông báo cho các tàu thuyền trên biển chủ động phương án ứng phó trước mưa lớn. Ảnh: BT

Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ. Rà soát đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày do mưa lụt.

Nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò.

Khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi… trong điều kiện mưa lũ và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tại TP Đà Nẵng, trong 6 giờ qua trên địa bàn đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa một số nơi như sau: Hòa Bắc 206.8mm, Hòa Phú 171.2mm, Bà Nà 171.8mm,...

Dự báo trong 6 giờ tới trên địa bàn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa ở khu vực đồng bằng ven biển 30-60mm, có nơi trên 60mm; vùng núi 70-100mm, có nơi trên 120mm.

Trước diễn biến mưa lớn này nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở trên sườn dốc. Nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại các khu đô thị và các vùng trũng thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.5.

mua-lon-hoc-sinh-nghi-hoc.jpg
Hôm nay học sinh ở Đà Nẵng được nghỉ học. Ảnh: Hoài An.

Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước đó, vào đêm hôm qua, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã có thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày hôm nay (13-11).

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã có công văn chỉ đạo tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất và chống ngập.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt và ngập úng đô thị. Sẵn sàng triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân. Sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn.

Vận động người dân kê tài sản, khơi thông, không làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát nước tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước. Sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, xử lý theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Chuẩn bị các máy bơm di động công suất lớn tại các điểm có nguy cơ ngập sâu để vận hành chống ngập kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm