Mô hình thác bánh mì lớn nhất Việt Nam được trao bằng kỷ lục

(PLO)- Trao bằng Kỷ lục Việt Nam cho "Mô hình thác bánh mì lớn nhất Việt Nam, được ghép từ các ổ bánh mì đặc ruột truyền thống của Nha Trang".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chứng nhận của Tổ chức KLVN

Chứng nhận của Tổ chức KLVN

Ngày 23 - 8, Kỷ lục gia (KLG) Nguyễn Văn Xáng, Trưởng Văn phòng đại diện Kỷ lục Việt Nam tại miền Trung cho biết, trong khuôn khổ Hội thảo "Tầm nhìn và Phát triển Văn hóa ẩm thực tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030" diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Khánh Hòa chính thức đón nhận Kỷ lục Việt Nam "Mô hình thác bánh mì lớn nhất Việt Nam, được ghép từ các ổ bánh mì đặc ruột truyền thống của Nha Trang". Mô hình được thực hiện nhân dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa năm 2023.

Thác bánh mì được các nghệ nhân chế tác mô hình tại công viên bờ biển Nha Trang trong dịp Festival Biển Nha Trang 2023

Thác bánh mì được các nghệ nhân chế tác mô hình tại công viên bờ biển Nha Trang trong dịp Festival Biển Nha Trang 2023

Trước đó, nhằm hưởng ứng Festival Biển Nha Trang 2023, diễn ra từ ngày 2 - 6/6/2023, tại công viên bờ biển phía Đông đường Trần Phú (TP.Nha Trang), Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa tổ chức Lễ hội ẩm thực Festival biển Nha Trang với hàng trăm món ngon từ ba miền. Đáng chú ý, tại đây có không gian triển lãm dành riêng cho bánh mì với tên gọi "Bánh mì Nha Trang xưa và nay" và nổi bật nhất phải kể đến mô hình thác bánh mì với dòng chữ "Bánh mì Nha Trang" được tạo nên bởi những ổ bánh mì đặc ruột – loại bánh mì truyền thống của thành phố biển Nha Trang.

Bánh mì Nha Trang

Bánh mì Nha Trang

Cũng làm từ bột mì rồi cho vào lò nướng, bánh mì Nha Trang có lớp vỏ vàng rụm, đặc biệt hai đầu bánh mì giòn nhưng không hề cứng, bên trong ruột xốp mềm, đặc ruột và không dính. Nhiều người nói, với bánh mì ở Nha Trang không cần kẹp nhân, chỉ cần ăn bánh không cũng ngon đến lạ, bởi độ giòn thơm đến từ lớp vỏ vàng óng, độ dẻo dai đến từ ruột rất đặc bên trong.

Mô hình thác bánh mì là tác phẩm do Nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Ánh Tuyết đến từ trường đào tạo hướng nghiệp HTCHEF cùng nghệ sĩ Phương Đài – thành viên Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa lên ý tưởng.

Chiếc bánh mì đặc ruột – thương hiệu đặc trưng của Nha Trang

Chiếc bánh mì đặc ruột – thương hiệu đặc trưng của Nha Trang

Riêng việc làm nên những ổ bánh mì do anh Đình Tiến, với hơn 40 năm kinh nghiệm làm bánh mì đặc ruột Nha Trang, phụ trách.

"Chúng tôi mong muốn quảng bá và giới thiệu về bánh mì đặc ruột Nha Trang, món ẩm thực đã có từ lâu đời đến với người dân và bạn bè du khách bốn phương để họ cảm nhận được hương vị rất riêng của món ăn khá phổ biến này ở phố biển", nghệ sĩ Phương Đài chia sẻ.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ban thẩm định Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có mặt tại thành phố biển Nha Trang và ghi nhận thông số: Mô bánh mì cao 3,2m; dài 6m được tạo thành từ hơn 800 ổ bánh mì đặc ruột với các kích thước 60cm và 10cm.

Vì vậy, sáng ngày 23-8, tại Nha Trang, trong khuôn khổ Hội thảo Tầm nhìn và Phát triển Văn hóa ẩm thực tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức trao bằng Kỷ lục Việt Nam với nội dung: "Mô hình thác bánh mì lớn nhất Việt Nam, được ghép từ các ổ bánh mì đặc ruột truyền thống của Nha Trang" đến Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa.

Thực tế cho thấy, từ xưa tới nay du khách đến Nha Trang, đều bắt gặp các quầy bánh mì ở khắp các tuyến đường cũng như trong các hẻm nhỏ, những cửa hàng khang trang...Mỗi cửa hàng bánh mì đều có hương vị của riêng mình nhưng tựu chung, tất cả đều rất hấp dẫn và khá đông khách. Hàng ngày, khắp các khu xóm lớn nhỏ, ngoài chợ đều bắt gặp hình ảnh người chở theo trên xe giỏ bánh mì được ủ nóng bằng bao bố. Tiếng rao "Bánh mì đặc ruột, thơm ngon đây!" vang vọng trong nhịp sống của mỗi người dân Nha Trang, trở thành một phần không thể thiếu của phố biển.

Mô hình thác bánh mì mang ý nghĩa gìn giữ văn hóa ẩm thực lâu đời của Nha Trang thông qua hình ảnh chiếc bánh mì đặc ruột – thương hiệu đặc trưng của Nha Trang. Ẩm thực là nghệ thuật, do đó, những nét ẩm thực đặc trưng truyền thống lâu đời cần được bảo tồn và gìn giữ trong thời đại mọi thứ bị công nghiệp hóa và hiện đại hóa, dẫn đến thay đổi nhanh từng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm