“Trước khi trung ương cởi trói cho TP thì TP cần cởi trói cho doanh nghiệp (DN) trước. Cứ để DN tự do, tất nhiên theo khuôn khổ pháp luật, là họ phát triển rất mạnh, chưa cần cơ chế đổi mới gì cả”. Cũng xin nói rõ là khẳng định của ông không có ý phủ định cơ chế đổi mới, cũng không làm giảm ý nghĩa của khao khát đột phá của TP.HCM mà muốn khơi thông một cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường để cho DN bật dậy mãnh liệt hơn và đó là nguồn năng khổng lồ để đẩy sức phát triển của TP.HCM lên hơn nữa.
Khẳng định của ông khá bất ngờ, bởi vì ông cho chúng ta thấy lâu nay cái kìm hãm sự phát triển của DN không hẳn là thể chế, mà là vì DN bị trói buộc quá nhiều, không được “tự do”. Cái “tự do” mà ông Lê Mạnh Hà khẳng định thêm là “tự do theo khuôn khổ pháp luật”.
Nếu DN thực sự được tự do theo quy định thì họ cũng đã phát triển được rất mạnh rồi.
Khẳng định của ông Hà cho thấy chúng ta đừng chỉ trông chờ đổi mới cơ chế đột phá cho TP. Mà trong khi chờ cơ chế mới thì hãy cứ tìm cách tháo gỡ để DN phát triển từ những điều nhỏ nhất.
Ông không nói suông, ông nói rõ: “Tôi có đề nghị TP chỉ đạo làm tốt cái này. Thứ nhất là công an không được hình sự hóa quan hệ kinh tế. Thứ hai là phải có chỉ đạo không hình sự hóa”. Đấy là để người ta yên tâm mà kinh doanh, cứ thoải mái mà kinh doanh, đương nhiên không phải “tự do” theo kiểu muốn làm gì thì làm. Người ta có thể mất vốn, mất cả công ty mà không sợ hãi nhưng ai cũng ngại lao lý.
“Về việc kiểm tra DN, nếu làm được thì phải báo cáo Thành ủy, ủy ban thì mới được đi kiểm tra DN. Làm được thì tức khắc sẽ khác ngay! Có kiểm thì phải kiểm liên ngành” - ông thẳng thắn.
Đấy là để DN có thời gian mà tự do làm ăn, không phải mất thời gian lo tiếp đón hay đối phó.
Cởi trói cho DN bằng cách nào? Ông Hà cũng nói rõ ngay: Cứ DN kiến nghị là phải giải quyết nhanh. Nếu không giải quyết được thì cũng phải công khai. Ai không giải quyết thì cứ công khai và xử lý. Tổ chức giao ban với DN hằng quý, hằng tháng, thậm chí hằng tuần.
Rõ ràng nếu đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thì việc trước hết phải giải phóng tất cả nguồn năng có thể mang lại từ DN. Muốn thế, ngay trong từng hành động nhỏ nhất, chính quyền nói chung và từng cán bộ cụ thể phải chuyển mình một cách thực sự sang nền hành chính “phục vụ” như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bởi lẽ chẳng ai có thể cống hiến hết mình khi phải mất nhiều chi phí (cả thời gian, tiền bạc, tâm trạng) cho những chuyện chỉ để làm “vừa lòng” nhà quản lý!