Theo đề án tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa công bố, năm nay trường dự kiến tuyển sinh 15 ngành ĐH chính quy chuẩn (hệ đại trà).
Trong đó, có đến 4 ngành đào tạo mới. Đáng chú ý, bên cạnh ngành Kiểm toán, Thương mại điện tử và Luật, trường mở rộng thêm một ngành ở lĩnh vực khác hoàn toàn là Trí tuệ nhân tạo.
Đây là ngành khá lạ với đặc thù đào tạo của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lâu nay. Ở Việt Nam, trí tuệ nhân tạo bắt đầu được đào tạo trong trường ĐH từ năm 2019. Đến nay, số trường đào tạo ngành này khá nhiều, chủ yếu là các trường mạnh về khối ngành công nghệ, kỹ thuật, điện tử.
Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội, ba trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH FPT…

Lý giải vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng tuyển sinh và Truyền thông của trường, cho biết ngành Trí tuệ nhân tạo mà trường đào tạo là để phục vụ cho kinh doanh.
Khác biệt với các trường khối kỹ thuật đi vào phát triển nền tảng AI, các ngành khối kinh tế, quản trị đã phát triển chương trình đào tạo hướng tới khai thác trí tuệ nhân tạo và ứng dụng vào lĩnh vực kinh doanh và các lĩnh vực liên quan.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, theo học ngành này, sinh viên sẽ phát huy năng lực tự học, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Hiện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã đầu tư đội ngũ giảng viên trình độ cao là các giáo sư, phó giáo sư đảm bảo năng lực đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo.
Trường cũng thông tin thêm, năm 2025, trường vẫn tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT; xét tuyển kết quả học tập và thành tích bậc THPT; dựa vào kết quả điểm thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính V-SAT năm 2025 do trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức; dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn.
Với ngành Trí tuệ nhân tạo, trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), A04 (toán, lý, địa lý) và A05 (toán, hóa, lịch sử).