Ngày 5-8 vừa qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã chính thức ra mắt nhóm nghiên cứu Đan Dương, bao gồm các nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, Nguyễn Đình Đính, kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, nhà báo Phạm Thanh Tùng, ông Hồ Hữu Đồng... Tất cả họ đều có chung niềm đam mê nghiên cứu về triều đại Tây Sơn ở Phú Xuân (Huế) trong tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Nhóm còn nghiên cứu, tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung với tên gọi cung điện Đan Dương, vốn là nơi sống và làm việc lúc vua còn ngự ở Phú Xuân.
Sự việc này đánh dấu chặng cuối cuộc đời của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi ông đã dành ra hơn 30 năm cuối đời để đi tìm cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung.
Chỉ còn tìm ra nơi vua Quang Trung được mai táng trước khi bị quật lên thôi
Năm 2011, khi TP Vinh tổ chức hội thảo khoa học về Phượng Hoàng Trung Đô và những giả thuyết về lăng mộ vua Quang Trung đặt ở nơi này, ban tổ chức đã mời ông Nguyễn Đắc Xuân tham gia hội thảo với tư cách một nhà nghiên cứu đã dành nhiều thời gian đi tìm lăng mộ vua Quang Trung.
Với niềm tin sắt đá vào hướng đi của mình, ông Xuân đã đọc tham luận đồng thời gửi thư cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An để phản bác tất cả giả thuyết cho rằng lăng mộ vua Quang Trung có thể có ở Phượng Hoàng Trung Đô. Sự phản biện của ông Xuân dựa trên các lý lẽ như sau:
Vua Gia Long đã quật mồ vua Quang Trung để trả thù cho chín đời vua Nguyễn. Ngoài trả thù thì việc quật mồ cũng nhằm để diệt tuyệt sự trỗi dậy của nhà Tây Sơn, nếu sai thì vô cùng tai hại nên không thể nhầm lẫn. Nguyễn Ánh rất căm hận vua Quang Trung nhưng khi chiếm được Phú Xuân tháng 6-1801, không lo trả thù ngay mà chỉ lo lập lăng mộ cho cha mình là Nguyễn Phúc Luân ở làng Cư Hóa. Mãi đến tháng 11 mới quật mồ, như vậy có thể năm tháng đó điều tra biết đích xác lăng mộ vua Quang Trung ở đâu để quật.
Phú Xuân là đất của nhà Nguyễn nên luôn có người ở lại theo dõi động tĩnh. Như bà Ngọc Tuyên, là cô ruột Nguyễn Ánh dưới vỏ bọc bà vãi Vân Dương, đã làm nội gián cho Nguyễn Ánh để lấy thông tin và dụ hàng nhiều nhân tài của Tây Sơn... Những người này có thể biết được vua Quang Trung táng ở đâu để báo cho Nguyễn Ánh.
Những tướng Tây Sơn ra hàng Nguyễn Ánh như tướng Lê Chất, Đại tư mã Ngô Văn Sở… sẽ phải chỉ cho Nguyễn Ánh nơi chôn cất của vua Quang Trung, chỉ sai sẽ bị chém đầu ngay tức khắc.
Thời gian hai tháng ra lệnh cấm nội bất xuất ngoại bất nhập ở Phú Xuân không thể đưa thi hài vua đi ra khỏi thành được. Vua Quang Toản vẫn còn trị vì được thêm chín năm nữa, trong thời gian đó không thể đưa thi hài đi được vì trước khi mất vua Quang Trung đã căn dặn phải dời đô ngay ra Phượng Hoàng Trung Đô, nếu không chết không có đất chôn. Nếu Phú Xuân là đất dữ với nhà Tây Sơn thì không thể khai quật đem thi hài vua Quang Trung chôn ở bất cứ nơi nào khác tại Phú Xuân. Nếu đem ra Phượng Hoàng Trung Đô lại càng không thể vì phe của Bùi Đắc Tuyên và Trần Văn Kỹ chống nhau quyết liệt, không thể giữ bí mật việc di chuyển thi hài dưới sự theo dõi của bà vãi Vân Dương.
Dựa trên những lập luận này, ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng không thể tìm thi hài vua Quang Trung được nữa vì đã bị nhà Nguyễn tiêu hủy hết rồi. Ông chỉ còn mục đích duy nhất là tìm ra lăng mộ nơi vua Quang Trung được mai táng trước khi bị quật lên mà thôi.
Ông Nguyễn Đắc Xuân đang đo thử phiến đá táng chân cột được sử dụng làm chân bàn và phiến đá lớn làm bàn được nghi ngờ là một tấm quách của mộ vua Quang Trung. (Ảnh do ông Nguyễn Đắc Xuân cung cấp)
Tại sao lại ở lăng Đan Dương?
Ông Nguyễn Đắc Xuân cho tôi biết việc tìm ra địa danh này ban đầu từ nghiên cứu các thơ văn thời Tây Sơn, dù khi lên ngôi Gia Long đã cho tiêu hủy hết tất cả dấu tích của nhà Tây Sơn, từ đục bỏ các bia đá đến đốt tất cả sách vở, tài liệu…, một số rất ít vẫn còn sót lại được. Đó là bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm khi đi sứ sang nhà Thanh báo tang và xin cầu phong cho Quang Toản, cuối bài có câu “Đan Dương cung điện nhật tam thu” với dòng chú thích: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta. Quan sơn xa cách lâu ngày không được trông coi, trông vời viên lăng không ngăn được tấm lòng một ngày bằng ba thu”. Ngô Thì Nhậm cũng nhiều lần nhắc tới Đan Dương lăng (bài Khâm vãn Đan Dương lăng), Đan lăng (bài Sóc vọng thị tấu nhạc Thái Tổ miếu cung ký), sơn lăng (bài Tòng giá bái tảo Đan lăng cung ký)… Suy đoán cho thấy Quang Trung sống tại cung điện Đan Dương. Sau khi mất, ông được an táng ngay tại đây nên lăng Đan Dương (gọi tắt là Đan lăng) nằm trong cung điện Đan Dương, nằm ở vùng đồi núi (sơn lăng).
Năm 1799, hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân qua đời. Thể theo nguyện vọng của bà, bà được an táng ngay bên cạnh mộ Quang Trung. Bài văn tế bà do Phan Huy Ích viết có câu: “Nguyện cũ hẳn nay lọn - vẹn, bên Đan lăng quanh quất mạch liên châu”.
Thường với các bậc vua chúa, cung điện và lăng tẩm phải ở hai nơi cách xa nhau. Vậy tại sao lăng mộ của vua Quang Trung lại nằm ngay trong cung điện vua ngự? Ông Xuân cho rằng do Quang Trung có nhiều kẻ thù, Quang Trung trăng trối với triều thần là: “Sau khi ta qua đời, chỉ nên làm lễ tang một cách sơ sài, trong vòng một tháng phải chôn cất”, “để tang ngắn ngày, ba tháng thôi mặc áo tang”. Tin nhà vua băng hà được giữ kín tuyệt đối, sợ kẻ thù có thể lợi dụng lúc triều đình đang bối rối tang gia để tấn công. Do đó, có thể nhà Tây Sơn đã quyết định mai táng thi hài vua ngay trong cung điện luôn.
Cung điện và lăng Đan Dương nằm ở đâu?
Khi lên ngôi, Quang Toản còn nhỏ (mới 10 tuổi) nên Bùi Đắc Tuyên là cậu ruột được đề cử làm thái sư để cai quản triều đình. Dựa vào các bài thơ văn của Phan Huy Ích, ông Nguyễn Đắc Xuân rút ra nhận định: Lăng Đan Dương, chùa Thiền Lâm và nơi ở của Phan Huy Ích gần nhau nên bọn tiểu giám giữ lăng Đan Dương thường đến hầu rượu ông. Hai thông tin “chùa Thiền Lâm nằm ở phía Nam sông Hương” (của Phan Huy Ích) và “Quang Trung chôn ở phía Nam sông
Hương” (của Đại Nam chính biên liệt truyện) cho thấy hai địa điểm này cùng nằm một hướng. Cần biết thêm là Đan Lăng là lăng màu đỏ, theo ngũ hành thì màu đỏ thuộc phương Nam, Đan Lăng nằm phía Nam của Phú Xuân.
Dựa vào Quốc sử quán triều Nguyễn và cuốn sách của nhà buôn Pháp Pierre Poivre, ông Xuân xác định cung điện Đan Dương chính là phủ Dương Xuân, nằm trên gò Dương Xuân của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sau khi đưa quân ra đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Trung không vào thành mà lui về chiếm phủ Dương Xuân, tu bổ thành cung điện Đan Dương, sống nhiều năm rồi mất ở đây.
Phủ Dương Xuân hay cung điện Đan Dương nay đã không còn, có thể do Gia Long đã cho đốt phá hết để xóa dấu tích nơi ở và nơi chôn cất Quang Trung nhưng manh mối để tìm chính là qua chùa Thiền Lâm.
Ông Nguyễn Đắc Xuân nhớ lại: Khi đến khảo sát, ông nhận thấy xung quanh chùa Thiền Lâm có nhiều bia, biển cũ bằng đá bị đục phá, các nhà sư đã đào dưới sân chùa tìm ra hàng chục phiến đá táng cột lớn, hàng trăm viên đá lát lớn, hàng ngàn viên gạch vồ… là những vật liệu xây dựng không phải của dân thường. Ông Xuân đã sưu tập được hơn chục loại đá khác nhau, chứng tỏ phải có tới hơn 10 công trình lớn khác nhau tại đây… Do đó, rất có thể chùa Thiền Lâm hiện nay đã xây dựng trên một phần cung Đan Dương bị chôn vùi ngày xưa. Đặc biệt, ở khu vực có bốn tấm đá lớn dài 2,3 m, rộng 0,67 m, dày 7 cm, những tấm đá này được nghi ngờ có thể là lớp quách bọc ngoài quan tài của Quang Trung chăng?
Tất cả những giả thuyết về cung điện/lăng mộ Đan Dương mà ông Xuân đã dày công nghiên cứu được đánh giá cao về sự công phu, số tài liệu này lên đến 670 trang, sẽ được NXB Văn nghệ TP.HCM xuất bản vào cuối năm nay. Nhưng các giả thuyết sẽ không có giá trị cao nếu không có những bằng chứng cụ thể. Cuối cùng, cuộc khai quật tại gò Dương Xuân do Viện Khảo cổ học tiến hành diễn ra vào cuối năm 2016 đã hé mở nhiều thông tin rõ ràng hơn… |