Vụ việc ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra từ ngày 28-7 nhưng nguyên nhân của vụ việc hiện chưa được cơ quan chức năng công bố. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, giao thông cho rằng hiện chưa đủ thông tin để đưa ra nhận định chính xác, tuy nhiên họ đã đưa ra các phân tích ban đầu. Trong đó, hai nghi vấn được tập trung nhiều nhất là thiết kế dự án và điều kiện thời tiết, tình hình thủy văn của khu vực dự án.
Không loại trừ yếu tố thủy văn, địa chất
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Thuấn, giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT việc ngập cao tốc vừa diễn ra chưa có đủ thông tin hồ sơ thiết kế, thực trạng thi công, số liệu tính toán thủy văn ra sao... trong khi đây là các yếu tố để đánh giá chính xác nguyên nhân gây ngập cao tốc vừa rồi.
PGS-TS Nguyễn Hữu Thuấn đánh giá tình trạng ngập cục bộ do mưa vẫn có thể xảy ở cao tốc hoặc các đường hiện hữu khác trong giai đoạn khai thác do điều kiện tự nhiên thay đổi sau một thời gian đưa công trình vào sử dụng. Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế tính toán thoát nước dựa trên số liệu thủy văn để lựa chọn công trình thoát nước phù hợp là cống hay cầu tùy theo khẩu độ thoát nước yêu cầu.
“Dù sao chuyện cũng đã xảy ra, Bộ GTVT và chủ đầu tư cần chỉ đạo rà soát công tác khảo sát số liệu về thủy văn, địa hình như dòng chảy, độ dốc địa hình, nước từ hồ chứa bên cạnh…. Tùy theo số liệu đó để tính toán kết cấu thoát nước khác nhau” - PGS-TS Nguyễn Hữu Thuấn nói.
Ông Thuấn phân tích: Dự án đang được bố trí cống thoát nước, trường hợp nếu có sai sót thì cần phải điều chỉnh khả năng thoát nước trên đoạn tuyến bị ngập. Tuy nhiên, ông Thuấn cũng không loại trừ nguyên nhân do hiện tượng thời tiết bất thường, mưa quá lớn, do xả lũ hồ chứa…
Trường hợp hồ sơ thiết kế không có vấn đề mà do thời tiết bất thường hoặc khu vực này có thể xả lũ... thì vẫn cần có tính toán để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp.
Hình ảnh đoạn cao tốc bị ngập vào sáng 29-7. Ảnh: Ban QLDA Thăng Long |
“Hiện nay chưa rõ cao tốc bị ngập do đâu. Tuy nhiên, tôi tin rằng chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đã tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế đưa ra. Vì vậy, việc cần làm bây giờ là phải rà soát, xác định được nguyên nhân mới đưa ra phương án xử lý” - ông Thuấn cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM, đặt nhiều nghi vấn liên quan đến thiết kế dự án. Ông Tính cho rằng nếu cao tốc làm đúng thiết kế thì rất có thể thiết kế sai ngay từ đầu. “Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải đo lường được lượng nước, thủy văn, dòng chảy để đảm bảo an toàn, để không thể xảy ra tình trạng ngập cao tốc như vừa rồi” - ông Tính nói.
Đánh giá thêm về cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Tính nói thêm hiện nay cao tốc chưa đảm bảo chuẩn. Cụ thể là cao tốc thiếu con lươn, trạm dừng chân, chưa đảm bảo tốc độ, xảy ra tình trạng ngập nước...
“Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT cần rà soát toàn bộ vấn đề an toàn từ ngập nước, trạm dừng chân sao cho đủ chuẩn. Ngoài ra, cần rà soát, xem xét lại nguồn nước từ đâu, lưu lượng ra sao, bổ sung cống thoát nước lớn... Bộ cần phải làm gấp để đảm bảo an toàn giao thông, tránh cao tốc lại thành thấp tốc, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông” - ông Tính đề xuất.
Cần xem xét nhiều yếu tố
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, việc ngập cao tốc vừa qua có một phần do tình trạng bất thường của tự nhiên và là sự cố bất khả kháng. Sự cố ngập cao tốc cũng như việc vùng cao như Đà Lạt còn xảy ra ngập vừa rồi và trường hợp này không mang tính thường xuyên.
Có thể trong điều kiện bình thường, cao trình của cao tốc được thiết kế thì không ngập nhưng điều kiện mưa quá lớn, quá nhiều so với dự báo thì cũng có thể gây ngập. Điều này cũng từng xảy ra ở nhiều nước, như ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Nga, Mỹ...
“Tất nhiên, khi xảy ra ngập, đơn vị chức năng cũng phải xem lại cao trình thiết kế lúc đầu là bao nhiêu. Cao trình ấy được thiết kế có theo dự kiến thoát nước hay dự báo mực nước có khả năng gây ngập hoặc mực nước cao nhất của các năm không?” - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, các thông số kỹ thuật thì chỉ các nhà chuyên môn, kỹ thuật mới có thể đưa ra nhận xét chính xác nhất. Bởi khi làm đường, các nhà chuyên môn đều tính toán cao trình cho phù hợp với tình hình mưa, ngập, triều cường... Tuy nhiên, hiện nay tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nước biển dâng hay mưa ngày càng nhiều hơn với lượng mưa cao hơn là những điều kiện khách quan rất khó đối phó. Tình hình này không riêng ở Việt Nam mà các nước khác đều như vậy.
“Cho nên chúng ta cần xem lại nhiều yếu tố bên ngoài và cả các yếu tố bên trong như việc thoát nước có đảm bảo không chứ không riêng gì việc thiết kế cao tốc. Chúng ta cần chờ cơ quan chức năng có các báo cáo cụ thể để đưa ra nhận định chính xác hơn” - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.•
Cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân chính thức
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, khoảng 2 giờ 30 ngày 29-7, do mưa lớn, đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân nước tràn qua đường, có đoạn sâu gần 1 m.
Các loại xe bốn chỗ, bảy chỗ đều không thể qua được, chỉ xe tải, xe khách mới dám vượt qua đoạn ngập nước. Do sự cố này nên cao tốc bị kẹt xe kéo dài khoảng 10 km, nhiều xe phải rẽ xuống nút giao Quốc lộ 55 (huyện Hàm Tân) để ra Quốc lộ 1A.
Sau đó, ngày 31-7, tỉnh Bình Thuận và các bên liên quan đã họp để bàn giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục.